Không đạt chỉ tiêu khí thải, hai lô xe ô tô bị buộc phải tái xuất

ANTD.VN - Vào tháng 4 vừa qua, hai lô xe Ford nhập khẩu của Công ty TNHH Ford Việt Nam nhập khẩu về không đạt chỉ tiêu khí thải theo quy định tại Nghị định 116/NĐ-CP đã buộc phải tái xuất.

 

Xe không đạt tiêu chuẩn khí thải

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam sáng 4-7, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, Công ty Ford Việt Nam đã nhập về Việt Nam 4 kiểu loại xe khác nhau và khi kiểm tra khí thải từng lô theo quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP về các điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô thì có 2/4 kiểu loại xe không đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4, buộc phải tái xuất do xe không đạt chất lượng.

Lô xe Ford Everest nhập khẩu hồi tháng 4 đã bị buộc tái xuất vì không đạt tiêu chuẩn khí thải

Theo tìm hiểu cụ thể của phóng viên, vào đầu tháng 4-2018, Công ty Ford Việt Nam nhập hai lô xe Ranger và Everest từ Thái Lan về Việt Nam. Tuy nhiên khi Trung tâm Khí thải (Cục Đăng kiểm Việt Nam) thực hiện kiểm định theo lô đã xác định cả hai mẫu xe này không đạt chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu.

Cụ thể, chiếc xe được kiểm định cho kết quả thử nghiệm khí thải không đạt theo quy định tại QCVN 86:2015/BGTVT: Nồng độ HC + NOx là 0,518 g/km lớn hơn quy định (0,460 g/ km) và nồng độ NOx là 0,472 g/km lớn hơn mức quy định (0,390 g/ km).

Ngày 13-4-2018, Phòng Chất lượng xe cơ giới – VAQ (Cục Đăng kiểm Việt Nam) đã ra Thông báo không đạt chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu đối với mẫu xe Ranger.

Một lô xe Ford Ranger cũng bị buộc tái xuất vào tháng 4 do không đạt tiêu chuẩn

Tiếp đến, ngày 17-4-2018, VAQ cũng ra Thông báo không đạt chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu đối với mẫu xe Everest nhập khẩu.

Đây là 2 mẫu xe được sản xuất vào năm 2017 và được Ford Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan, được kiểm định theo quy định tại Nghị định 116/NĐ-C và Thông tư số 03 của Bộ GTVT.

Kiểm tra từng lô với ô tô nhập khẩu là cần thiết

Ngay từ khi Nghị định 116 và Thông tư 03 của Bộ GTVT có hiệu lực, rất nhiều doanh nghiệp đã có ý kiến về việc Nghị định này đang gây khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu xe ô tô.

Trong đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, quy định về kiểm tra theo từng lô gây khó khăn cho doanh nghiệp, không phù hợp với thông lệ chung, đã làm kéo dài thời gian đến 2 tháng và chi phí lên tới 10.000 USD/mẫu thử. Do vậy Hiệp hội này kiến nghị tạm hoãn áp dụng Nghị định 116 trong thời hạn 18 tháng, trong thời gian này, Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam sẽ làm việc với Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan để sửa đổi.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT đang xây dựng một Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu, thuộc đối tượng mà Nghị định 116 của Chính phủ quy định.

Cụ thể, về thủ tục giấy chứng nhận kiểu loại, thể hiện kiểu loại sản phẩm theo Nghị định 116 là do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và không bắt buộc phải do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp.

Đối với đề nghị chấp thuận cho các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô có thể lựa chọn được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp chứng nhận đủ điều kiện để đảm bảo chất lượng, Bộ GTVT cho rằng, theo quy định của Nghị định 116, cơ quan của Cục Đăng kiểm Việt Nam không phải là cơ quan của nước ngoài nên không thực hiện theo chức năng này.

Về đề nghị lùi thời hạn thực hiện Nghị định 116, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết: Trong quá trình kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị định 116 không có bất cứ vướng mắc nào. Tính đến ngày 2-6 đã có 200 bộ hồ sơ nhập khẩu cho 103 kiểu loại ô tô và 7.226 xe đã được cấp giấy chứng nhận ra thị trường.

Đối với đề nghị bỏ áp dụng thử nghiệm đối với từng lô xe nhập khẩu và áp dụng kiểm tra một lô đại diện được các ý kiến nêu tại diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công thông tin: Thời gian qua, việc một doanh nghiệp nhập khẩu đã nhập hàng loạt xe về và chỉ đăng ký kiểm tra cho một lô đại diện và lô này có thể là một xe duy nhất đã được doanh nghiệp kiểm định trước rồi lựa chọn xe tốt nhất mang tới cơ quan chức năng kiểm tra để cấp giấy chứng nhận.

Sau đó, trên cơ sở kết quả này, doanh nghiệp tiếp tục đăng ký kiểm tra cho các xe nhập khẩu về sau với số lượng không giới hạn và trong một thời gian dài đến cả năm. Như trường hợp này, theo Thứ trưởng Bộ GTVT, cơ quan chức năng không thể kiểm soát tiêu chuẩn khí thải, an toàn, chất lượng linh kiện và các hệ thống của những xe nhập khẩu tiếp theo trong thời gian dài.

“Đây chính là lỗ hổng lớn về chất lượng xe nhập khẩu, ảnh hưởng tới an toàn người tiêu dùng. Như vậy, phương thức kiểm tra thử nghiệm theo từng lô với ô tô nhập khẩu theo Nghị định 116 và theo Thông tư 03 là cần thiết, đảm bảo đồng nhất chất lượng xe nhập khẩu, tạo bình đẳng với xe sản xuất, lắp ráp trong nước và bảo vệ quyền lợi hợp pháp người tiêu dùng”, ông Nguyễn Văn Công khẳng định.