Khoán xe công: Quy hoạch "trận địa" ì ạch

ANTD.VN - Câu chuyện khoán xe công không còn mới, nó đã được bàn thảo suốt nhiều kỳ họp Quốc hội trong bối cảnh các con số đưa ra khiến chúng ta không khỏi xót ruột: Hiện ở nước ta đang có khoảng gần 40.000 xe công, chi phí để duy trì số xe này mỗi năm lên tới khoảng gần 13.000 tỷ đồng tiền ngân sách trong khi sử dụng thì lãng phí, không đúng công năng. 

Rà soát theo quy định mới của Thủ tướng Chính phủ, cả nước đang thừa khoảng 7.000 xe công, nhưng trong năm 2015 vẫn mua thêm 600 xe. 

Dù ai cũng thấy được tính cấp thiết của việc khoán xe công, nhưng sau những bàn thảo sôi nổi tại nghị trường, hầu như không có cơ quan công quyền nào chủ động, ráo riết đề ra kế hoạch khoán xe công.

Do vậy, thông tin kể từ ngày 1-10 tới đây, Bộ Tài chính, đơn vị quản lý ngân sách Nhà nước sẽ thực hiện khoán xe công, được coi là phát súng đầu tiên cho một “trận địa” vốn đang rất ì ạch. Trong quyết định mới ban hành, Bộ Tài chính đã quy định áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công đối với các chức danh Thứ trưởng Bộ Tài chính, chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (Tổng Cục trưởng và tương đương).

Theo đó, kinh phí hàng tháng để đưa đón các chức danh này từ nơi ở đến nơi làm việc được tính theo số km khoán và đơn giá theo các hãng taxi (loại 4 chỗ) phổ biến trên thị trường. Mỗi cá nhân được khoán kinh phí cho hai lượt đi và về trong ngày làm việc. 

Thực tế, việc khoán xe công đã được định hướng từ lâu, tại Quyết định 32/2015, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đưa ra cơ chế khoán xe công khá rõ. Cụ thể, nếu các cá nhân trong diện có tiêu chuẩn xe công phục vụ “tự nguyện đăng ký” thì sẽ thực hiện khoán kinh phí sử dụng ôtô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc.

Còn từ cơ quan đi công việc, quyết định cũng cho phép khoán và quy định luôn cơ chế kinh phí. Dù vậy, hầu như không thấy nhiều nơi chuyển biến trong thực hiện. Trước thực trạng đó, Bộ Tài chính đã tích cực rà soát và chỉ ra không ít nơi lãng phí xe công.

Mới đây nhất, Bộ đã có công văn gửi tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu tỉnh này điều chỉnh giảm 6 xe công, đồng thời đề nghị điều chuyển nội bộ từ nơi thừa sang nơi thiếu. 

Việc khoán xe công, không chỉ giúp giảm chi phí duy trì xe công mà còn tận dụng tối đa công năng của các xe, có thể đưa các xe công dư thừa vào thực hiện dịch vụ cung cấp xe cho các cán bộ Nhà nước.

Như vậy, thay vì mỗi xe chỉ phục vụ một người như hiện nay, xe sẽ phục vụ cho nhiều cán bộ, được tận dụng quay vòng nhiều hơn, giúp tăng nguồn thu, tự chủ kinh phí bảo dưỡng, đầu tư xe... Đây là bước đi để tiến tới xã hội hóa dịch vụ cung cấp xe cho các đơn vị Nhà nước. 

Trở lại việc khoán xe công của Bộ Tài chính, việc khoán xe công mới áp dụng cho đoạn đường từ nhà đến cơ quan, còn từ cơ quan đi các nơi vẫn là xe công. Đây có thể coi là bước đệm nhằm tìm ra những cơ chế tốt nhất để tiến tới khoán 100%.

Cùng với động thái này, Sở Tài chính Hà Nội cũng cho biết cuối năm nay, Hà Nội sẽ cố gắng thí điểm khoán xe công ở một số sở, ban ngành, sau đó sẽ nhân rộng. UBND TP Hà Nội cũng đã giao Sở Tài chính xây dựng phương án thí điểm khoán kinh phí tự túc phương tiện cho các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng ôtô khi đi công tác.

Rất hy vọng từ những thí điểm đầu tiên này, việc khoán xe công sẽ được nhân rộng và đi vào thực chất ở tất cả các cơ quan công quyền.