Khó xử phạt xe Uber, Grab đi vào đường cấm taxi

ANTD.VN - Nhiều ý kiến cho rằng, lực lượng chức năng khó xử phạt xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi đi vào đường cấm hoặc giờ cấm vì khó nhận diện đâu là xe taxi công nghệ, đâu là xe gia đình.

Việc cấm các loại xe hợp đồng tại một số tuyến phố trung tâm sẽ giảm phương tiện cá nhân vào nội đô 

Sở GTVT Hà Nội đã cắm các biển cấm taxi, các xe hợp đồng dưới 9 chỗ hoạt động trong các khung giờ từ 6-9h và 16h30-19h30 tại 13 tuyến phố. Tuy nhiên xung quanh vấn đề này còn nhiều tranh cãi và nhiều ý kiến trái chiều.

Chưa hợp lý

13 tuyến phố cấm trên gồm: Hoàng Hoa Thám, Mai Xuân Thưởng, Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Trường Chinh, Khâm Thiên, cầu Chương Dương (chiều Nguyễn Văn Cừ sang Trần Nhật Duật), Hàng Bài, Phủ Doãn, Cầu Giấy, Xuân Thủy, Giải Phóng. Đây cũng là những tuyến phố trước đó đã cấm taxi truyền thống và bắt đầu từ 11-1 sẽ cấm các xe hợp đồng dưới 9 chỗ, trong đó có Uber và Grab 

Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Tuấn Anh, lái xe Uber, việc cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ, trong đó có xe Uber và Grab gây ảnh hưởng cả khách hàng và lái xe. “Cấm như thế là không hợp lý. Ví dụ như khách ở trong những tuyến phố cấm đó họ muốn thuê xe hợp đồng dưới 9 chỗ thì phải đi bộ đoạn khá xa mới đón được xe. Lái xe chúng tôi thì sẽ mất khách bởi họ không thể đi bộ đoạn dài để đón xe được”, anh Tuấn Anh chia sẻ.

Không đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Tuyết Lan, ở phố Láng Hạ, quận Đống Đa lại cho rằng nên cấm, bởi xét về góc độ kinh doanh thì nên có sự công bằng giữa hai loại hình vận chuyển hành khách. “Tôi được biết, những tuyến phố trên đã cấm taxi. Tuy nhiên, nhiều ô tô kinh doanh chở khách dưới 9 chỗ, trong đó có xe Uber, Grab vẫn đi vào bắt khách. Điều này làm cho biển cấm mất tác dụng, mật độ phương tiện đi lại vẫn cao và tạo sự bất bình đẳng trong hoạt động vận tải”, bà Lan cho biết.

Tuy nhiên, rõ ràng, đối với những người dân sinh sống tại 13 tuyến phố trên thì lệnh cấm này gây nhiều bất tiện. “Tôi sinh sống tại đây thì thấy quá là bất tiện, không hợp lý chút nào. Bây giờ muốn đi taxi hay gọi Uber hoặc Grab phải đi bộ qua tuyến phố này mới gọi được xe, những lúc ốm đau hay có công việc gấp không biết sẽ như thế nào”, chị Đặng Thu Phương, ở phố Giảng Võ bày tỏ.

Quy định quản lý chưa rõ ràng

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết: “Chủ trương giảm ùn tắc giao thông của thành phố chúng tôi rất hoan nghênh, nhưng lệnh cấm này chưa thỏa đáng vì rất nhiều người có nhu cầu về xe dưới 9 chỗ, nên các cơ quan chức năng cần xem xét lại”. Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định, đối với loại hình phương tiện vận tải Uber, Grab, cần xác định những biện pháp quản lý như taxi.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: “Việc bổ sung quy định cấm lưu thông tại một số tuyến đường đối với xe hợp đồng dưới 9 chỗ để đảm bảo quy định công bằng giữa quản lý xe Uber, Grab với xe taxi truyền thống, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông. Điều này cũng nhằm thực hiện đúng đề án quản lý phương tiện giao thông của thành phố. Trong 10 ngày đầu, chúng tôi chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở để lái xe ý thức được việc này. Sau đó, chúng tôi sẽ kiểm tra để xử lý theo những vi phạm như đối với xe taxi khác”.

Theo các chuyên gia giao thông, hiện nay, xe taxi Uber, Grab được xác định là xe hợp đồng nên không có quy định hạn chế số lượng và quy định quản lý cũng chưa rõ ràng. Mặc dù đã có biển cấm, nhưng lực lượng chức năng cũng khó xử phạt xe Uber, Grab đi vào đường cấm hoặc giờ cấm vì khó nhận diện đâu là xe taxi công nghệ, đâu là xe gia đình.

Theo quy định, xe hợp đồng dưới 9 chỗ phải dán phù hiệu. Tuy nhiên, việc dán phù hiệu ở vị trí nào, kích cỡ bao nhiêu, màu sắc như thế nào thì hiện nay chưa có quy định cụ thể. Do vậy, các lái xe thường không dán phù hiệu hoặc dán ở những chỗ khó phát hiện.

Sở GTVT cho biết đang xem xét phương thức để quản lý được toàn bộ phần mềm ứng dụng mà các đơn vị đang quản lý, sử dụng trong hoạt động của các phương tiện taxi công nghệ. Việc sử dụng ứng dụng phần mềm phải kết nối với thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện.