Khi nhà văn bị "tuýt còi"

ANTD.VN - Chuyện tham gia giao thông, ai vô ý vi phạm lỗi bị cảnh sát giao thông “tuýt còi” là bình thường, tùy mức độ nặng nhẹ mà bị CSGT nhắc nhở hay phải nộp phạt đúng quy định. Thế nhưng với nhà văn, cái sự phạm lỗi giao thông khiến cho các chú cảnh sát cũng phải... phì cười vì những lý do rất “a ma tơ” của họ.

Nhà văn Ma Văn Kháng “Thôi bỏ qua vì bác là người dân tộc”

Không biết có phải vì sống trên miền núi phía Bắc lâu năm hay không mà nhà văn Ma Văn Kháng có tác phong, dáng điệu và đặc biệt là gương mặt đặc sệt người vùng cao. Khi chuyển công tác về Hà Nội làm biên tập tại Nhà Xuất bản Lao động, được trở về chính vùng đất mình đã sinh ra và lớn lên, nhưng nhà văn vẫn bị nhiều người nhầm tưởng ông là người dân tộc thiểu số, có bạn đọc còn gọi đùa ông là “anh Nông Văn Dền về già”.

Những năm 1990, Hà Nội còn thưa vắng ô tô, xe máy, phương tiện đi lại chủ yếu là xe đạp nên rất phù hợp với việc vừa đi đường vừa “tư duy sáng tác” của nhà văn, đa phần các tứ truyện ngắn, tiểu thuyết được hình thành trong những lúc đạp xe đi làm, đi thăm thú nơi này nơi khác.

Một hôm, trong đầu đang xây dựng một tình tiết thú vị sẽ được đưa vào truyện ngắn mới, nhà văn hào hứng guồng chân đạp xe vun vút qua ngã tư mà không để ý đèn đỏ đã sáng lên từ lúc nào. Vừa đi qua ngã tư, một cậu cảnh sát giao thông trẻ bước ra ra hiệu lệnh yêu cầu nhà văn dừng lại. Nhà văn ngơ ngác dừng lại: “Có việc gì thế, cháu?”. Cậu cảnh sát chỉ về phía cột đèn, giải thích: “Bác vừa mắc lỗi vượt đèn đỏ khi đi qua ngã tư. Đề nghị bác cho cháu kiểm tra giấy tờ ạ”.

Lục trong túi chỉ có mỗi cái thẻ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn liền đưa ra mà trong lòng băn khoăn không biết cái cột đèn kia “mọc” ra từ lúc nào, sao khi đi qua mình không nhìn thấy?. Cậu cảnh sát chăm chú đọc tấm thẻ, nhìn kỹ để đối chiếu người với ảnh rồi đưa trả lại cho nhà văn, cười cười thông cảm: “Ô, hóa ra bác là người dân tộc ạ?. Thôi bác đi đi, lần sau qua các ngã ba, ngã tư bác phải chú ý nhìn tín hiệu đèn giao thông nhé. Đèn đỏ thì bác phải dừng lại, đèn vàng đi chậm, khi nào thấy đèn xanh bác mới được đi. Nếu không tuân thủ tín hiệu đèn báo sẽ gặp nguy hiểm và phạm luật”.

Nhà văn cảm ơn, cất thẻ vào túi và lên xe đi tiếp, suốt quãng đường về nhà cứ thắc mắc không hiểu sao cậu cảnh sát lại cho mình là người dân tộc vừa ở trên bản xuống phố. Kể lại với người nhà, các con ông cười phá lên: “Anh ấy thấy tên của bố ghi trên thẻ là Ma Văn Kháng nên tưởng một ông miền núi mới về xuôi chứ còn sao nữa ạ...”. Lúc này nhà văn mới “à à” hiểu ra, mủm mỉm nghĩ thầm: “Lúc ấy mà đưa chứng minh thư tên thật là Đinh Trọng Đoàn thì chắc đã bị phạt rồi. Đúng là cái bút danh họ Ma cũng lợi hại thật”.

Nhà văn Đào Quang Thép “Mới trông từ xa đã biết không có bằng lái”

Nhà văn Đào Quang Thép khi còn làm Giám đốc Đài Truyền hình Hà Nội, tiêu chuẩn cán bộ có lái xe riêng, nhưng thỉnh thoảng ông vẫn  tự lái mặc dù chưa có bằng. Một hôm, ông đang lái xe đến một ngã tư gần cơ quan thì bị công an giao thông thổi còi đề nghị dừng lại. Ông xuống xe, chào hỏi nghiêm trang xong thì nói luôn: “Công an của ta giỏi thật, như các chú được đào tạo thật tuyệt vời”.

Anh công an đang ngạc nhiên, ông làm một tràng: “Mới trông thấy anh từ xa, mà các chú biết ngay là anh không có bằng lái. Các chú thi hành công vụ thế là tốt. Anh công nhận là anh sai rồi, nhưng các chú có thấy anh quen không nào? Các chú không quen anh thì anh quen các chú. Chúng ta quen nhau thì hoãn xử lý một chút đi...”. Anh công an nghiêm giọng và yêu cầu kiểm tra giấy tờ rồi hỏi người vi phạm làm ở đâu?.

Nhà văn chỉ cái cột ăng-ten cao ngất của Đài truyền hình Hà Nội: “Anh làm ở cái chỗ cột cao cao kia kìa. Anh làm giám đốc, hôm nay đang thu hình chương trình an toàn giao thông, anh đang đóng vai vi phạm luật giao thông”. Anh công an nhìn quanh, nghi ngờ: “Máy quay đâu?”. Nhà văn láu lỉnh đáp: “Bọn anh cũng để máy quay bí mật như các chú bắn tốc độ. Hai bên phải kết hợp công tác...”. Nghe đến thế, anh công an bảo: “Thôi xin bố, bố đi cho con nhờ, con không thích lên truyền hình”.

Nhà văn lên xe đi tiếp và đặt ra quyết tâm: sau vụ này mình phải đi thi bằng lái cho đúng luật. Sau này khi đã về hưu, có bằng lái rồi, chiều chiều lái xe đi uống bia với bạn bè, không bao giờ thấy công an tuýt còi, có vẻ như như các anh ấy nhìn xa là biết ngay nhà văn đã có bằng lái.

Nhà thơ Lữ Thị Mai “Trên mạng có thơ của cô không?”

Nhan sắc làng văn hiện nay phải kể đến nhà thơ Lữ Thị Mai, chị không chỉ xinh đẹp mà còn là một phóng viên năng động. Tuy nhiên, vốn mang tư chất nhà thơ nên nhiều lúc ra đường hay rơi vào trạng thái “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Một lần đi sang Hội Nhà văn dự một cuộc hội thảo, qua ngã tư Bà Triệu - Trần Hưng Đạo, Lữ Thị Mai cứ vù vù phóng xe qua đèn đỏ, đến khi nghe tiếng còi “toét toét” vang lên mới giật mình dừng lại. Anh cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ xong, hỏi: “Chị có biết mình mắc lỗi gì không?”. Nhà thơ bối rối: “Chắc là đi vội quá ạ?”.

Cảnh sát phì cười: “Đi đâu mà vội thế?”. “Em đến Hội Nhà văn dự hội thảo ạ. Sợ muộn giờ nên em phóng hơi nhanh, xin anh thông cảm, từ giờ em sẽ đi chậm lại”. Để chứng minh lời nói của mình là thật, Lữ Thị Mai lấy giấy mời dự hội thảo ra trình. Anh cảnh sát thấy ghi trang trọng: Kính mời nhà thơ... liền hỏi lại: “Thế chị là nhà thơ à?”, “Vâng ạ” – chị trả lời.

Anh hỏi tiếp: “Thơ của chị có trên mạng không?”, nhà thơ đáp: “Có đấy ạ” rồi nhanh nhẹn rút điện thoại kết nối 3G ra nhoay nhoáy vuốt vuốt chọc chọc: “Đây, thơ của em đăng trên các báo này, có ảnh và tên em đây ạ”. Anh cảnh sát cầm chiếc điện thoại, đọc lướt mấy trang báo mạng, gật đầu xác nhận đúng là... nhà thơ nên cho chịu mức nhắc nhở lần đầu. 

Lữ Thị Mai lúc đó còn chưa được kết nạp hội viên, nhưng đã sớm nổi tiếng bởi hàng năm tham gia đọc thơ trên sân Văn Miếu vào rằm tháng Giêng, có nhiều ảnh đăng trên các báo mạng kèm theo thơ, vì thế mà gặp được anh cảnh sát yêu thơ nên mới... thoát phạt.