Khai tử xe hết "đát": Sẽ làm được nếu "cột" trách nhiệm rõ ràng

ANTD.VN - Theo quy định, xe hết niên hạn không được tiếp tục lưu thông nhưng hiện còn tới hàng trăm nghìn xe hết “đát” vẫn ngang nhiên tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 29, yêu cầu  các tỉnh, thành phố vào cuộc cùng các cơ quan chức năng để chấm dứt tình trạng xe quá niên hạn chạy trên đường.

Khai tử xe hết "đát": Sẽ làm được nếu "cột" trách nhiệm rõ ràng  ảnh 1Xe hết “đát” được cập nhật danh sách đầy đủ nhưng vẫn khó dẹp

Gần 140.000 xe hết niên hạn

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT), hết năm 2016, toàn quốc ước tính có thêm 23.075 ô tô (gồm 20.068 xe tải và 3.007 xe chở người) hết niên hạn sử dụng. Như vậy, tổng số xe hết hạn sử dụng đã lên tới gân 140.000 chiếc. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin, hiện nay, còn khá nhiều xe hết “đát” nhưng vẫn tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT.

Đây đều là các loại xe cũ nát không đủ tiêu chuẩn, kiểm định không đạt yêu cầu. Xe thường xuyên trốn đăng kiểm ở những năm cuối nên không thể kiểm soát được tình trạng kỹ thuật của xe. Bên cạnh đó, tâm lý người sử dụng là tranh thủ dùng trong một thời gian ngắn nên hầu như không đầu tư, nâng cấp cải thiện chất lượng xe. Đặc điểm chung của loại xe này là thường hoạt động ở một khu vực nhất định, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa, tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Đáng chú ý, có những xe hết niên hạn còn “lách” bằng cách chạy “chui” ban đêm.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Trí, thời gian qua, cùng với việc cung cấp đầy đủ thông tin về xe hết “đát” cho các cơ quan chức năng liên quan, Cục Đăng kiểm Việt Nam còn trực tiếp tổ chức các đợt kiểm tra tập trung vào những vùng có khả năng xe hết niên hạn sử dụng lưu hành nhiều như dọc hai bên đường Hồ Chí Minh, địa bàn tỉnh Hòa Bình hay khu vực Móng Cái (Quảng Ninh)… Tuy nhiên, đơn vị đăng kiểm không có chức năng cũng như áp dụng chế tài xử lý xe hết “đát”, mà chỉ có thể ghi nhận tình hình rồi gửi về cho chính quyền sở tại. Mọi động thái, chuyển biến phải trông chờ chủ yếu vào cơ quan quản lý tại địa phương. 

Trước thực trạng xe hết “đát” vẫn tung hoành tại nhiều địa phương, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 29/TTg-CT yêu cầu các tỉnh, thành phố vào cuộc cùng các cơ quan chức năng để chấm dứt tình trạng xe quá niên hạn chạy trên đường. 

Làm ngơ với xe hết “đát”

Nhìn nhận về thực trạng trên, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, nguyên nhân đầu tiên là do ý thức trách nhiệm của chủ xe chưa cao. Xe đã hết niên hạn sử dụng nhưng vẫn cố tình sử dụng. Bên cạnh đó, do chủ xe lựa chọn những cung đường vắng bóng lực lượng tuần tra, kiểm soát nên xe vẫn tránh né trót lọt. Một trong những “nguồn cơn” mấu chốt khiến suốt thời gian dài vừa qua, xe hết niên hạn sử dụng vẫn có thể hoạt động ngang nhiên là do chính quyền cấp địa phương chưa quan tâm đúng mức trong vấn đề này, chưa thực sự vào cuộc quyết liệt, thậm chí còn tình trạng cơ quan chức năng làm ngơ trước xe hết niên hạn sử dụng. 

Bởi vậy, ông Nguyễn Trọng Thái cho rằng: “Nếu các bộ, ngành, địa phương quyết tâm cao thực hiện đồng bộ các giải pháp theo đúng tinh thần chỉ đạo Chỉ thị 29 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt nhấn vào trách nhiệm của người đứng đầu thì việc quản lý các phương tiện hết niên hạn sử dụng sẽ có chuyển biến tích cực”. Theo đó, trách nhiệm người đứng đầu phải quy tới tận cấp xã, phường, rồi tới cấp huyện, cấp tỉnh. Khi đó, chỉ cần nêu rõ chính quyền địa phương nào để xảy ra tình trạng xe hết niên hạn sử dụng tham gia giao thông thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ thì tình hình sẽ có chuyển biến.

Ông Đặng Trần Khanh, Phó Trưởng phòng Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, cần có chế tài xử lý chủ xe mua bán, chuyển vùng xe hết “đát” mà không sang tên. Hiện nay, có thực trạng khá phổ biến là nhiều xe hết niên hạn sử dụng được mua đi, bán lại, chuyển vùng để tiếp tục hoạt động mà chủ xe không hề nộp lại giấy tờ xe cũng như biển số cho cơ quan quản lý. Việc này gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng khi xác định chủ xe đích thực. Trong khi đó, vẫn thiếu những chế tài xử lý đối với chủ xe đứng tên đăng ký mà không làm thủ tục nộp lại đăng ký, biển số xe khi xe hết niên hạn sử dụng.