Hệ thống giám sát chưa ổn định, trạm BOT Hà Nội-Bắc Giang thu phí chênh hơn 80 triệu đồng/ngày

ANTD.VN -Kết quả kiểm tra, giám sát trong 10 ngày thu phí của Tổng cục Đường bộ Việt Nam tại trạm thu phí BOT cao tốc Hà Nội- Bắc Giang cho thấy, mức chênh trung bình là 84 triệu đồng/ngày so với báo cáo của nhà đầu tư trước đó. 

Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có báo cáo Bộ GTVT về việc kiểm tra, giám sát công tác thu phí đối với trạm thu phí Km152+080 QL1 dự án cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội – Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT do Công ty CP Đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang quản lý và khai thác.

Theo Tổng cục, công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện liên tục trong 10 ngày, từ 13h30 ngày 16/12/2016 đến 13h30 ngày 26/12/2016, gồm các nội dung: Giám sát việc xuất, thu hồi vé và số thu từng ca; giám sát hệ thống thiết bị phòng hậu kiểm; giám sát ngoài cabin.

Kết quả 10 ngày giám sát thu phí, ,trạm BOT Hà Nội- Bắc Giang có mức chênh lệch trung bình hơn 80 triệu đồng/ngày so với nhà đầu tư báo cáo

Kết quả, sau 10 ngày, số thu phí sử dụng đường bộ đối với vé lượt trong thời gian giám sát là 10,99 tỷ đồng, bình quân 1,099 tỷ đồng/ngày, tăng 8,27% (tương đương 84 triệu đồng/ngày) so với mức bình quân ngày của 6 tháng trước đó (1,015 tỷ đồng/ngày).

Về công nghệ thu phí, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, thời gian kiểm tra, giám sát hệ thống thu phí một dừng tại trạm hoạt động chưa ổn định còn tồn tại nhiều lỗi: Các máy tính tại làn có lúc bị treo, nhân viên thường phải khởi động lại phần mềm; Hệ thống vòng từ có lúc không nhận ra những xe container gầm cao và xe máy (khi một xe container gầm cao đi qua được tính là hai xe nối đuôi) các trường hợp như vậy được xác định là xe vượt trạm; Các xe máy đi chung với làn xe ô tô và các xe container gầm cao bị nhận dạng hai lần; có hiện trạng truyền dữ liệu bị trễ và phần mềm giám sát hậu kiểm còn hiện thị chồng ghép dữ liệu...

Căn cứ kết quả giám sát, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu doanh nghiệp dự án khắc phục tình trạng để nhân viên phải mở cưỡng bức khi không nhận diện được vé; phần mềm tại các máy tính làn thu phí bị treo, truyền dữ liệu từ máy tính tại nhà điều hành đến các máy tính tại cổng trạm bị trễ; vòng từ nhận dạng không đúng vé để hệ thống ghi xe vượt trạm; tăng cường kiểm tra công tác thu phí để việc thu phí được công khai, minh bạch; khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng, lắp đặt hệ thống thiết bị thu phí không dừng để sớm đưa vào sử dụng, phục vụ công tác thu phí.

Đối với mức chênh tăng trung bình 8,27%/ngày so với trước đó, Tổng cục Đường bộ yêu cầu doanh nghiệp đầu tư dự án phải báo cáo giải trình về mức chênh lệch trong 10 ngày kiểm tra, giám sát này.

Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang được thực hiện theo hình thức BOT. Nhà đầu tư của dự án là liên danh Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Công ty CP Tập đoàn Đại Dương – Tổng công ty Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam - Công ty CP Đầu tư và thương mại 319 (VANPHU INVEST - OGC - VCG - 319 INVEST).