Hàng không thua lỗ vì Covid-19, nguy cơ phá sản trực chờ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vận tải hàng không vừa nhen nhóm cơ hội khôi phục dần hoạt động trở lại thì ngay sau đó lại đối diện với làn sóng Covid thứ hai tại Việt Nam. Nguy cơ phá sản ngày một hiện hữu.

Vietnam Airlines lỗ hơn 6.500 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2020 của các hãng hàng không trong nước đều cho kết quả quan ngại. Theo đó, do ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, tất cả các hãng hàng không đều thua lỗ.

Theo Vietnam Airlines, kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm 2020 của hãng kém nhất từ trước đến nay.

Cụ thể, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietnam Airlines trong quý II/2020 chỉ đạt 6.006 tỷ đồng, chỉ bằng gần một phần tư so với cùng kỳ năm ngoái (24.363 tỷ đồng); tổng lợi nhuận kế toán trước thuế là âm 3.981 tỷ đồng so với mức 206 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Các hãng hàng không đều thua lỗ lớn trong 6 tháng đầu năm 2020 và nguy cơ tiếp tục lỗ do lần Covid thứ 2

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2020, Vietnam Airlines đạt doanh thu 24.934 tỷ đồng, bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2019, nhưng tổng lợi nhuận kế toán trước thuế bị âm 6.542 tỷ đồng so với khoản lợi nhuận thực dương 1.785,7 tỷ đồng cùng kỳ năm 2019. Lỗ cơ bản trên mỗi cổ phiếu HVN tính đến tháng 6/2020 của Vietnam Airlines cũng đã lên tới 4.607 đồng.

Quy mô vốn chủ sở hữu giảm sút mạnh, từ quy mô 18.607 tỷ đồng tại thời điểm ngày 1/1/2020 xuống còn 11.428 tỷ đồng.

Vietnam Airlines kỳ vọng kết quả sản xuất kinh doanh trong quý III sẽ có khởi sắc, bởi từ cuối tháng 6, đầu tháng 7 lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không tăng vọt.

Nhưng, việc dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng và một số địa phương lớn trong cuối tháng 7/2020 sẽ khiến hãng phải đối diện với việc hành khách hoàn hủy vé, ảnh hưởng lớn đến dòng tiền của Vietnam Airlines.

Dự báo, sản lượng hợp nhất toàn Tổng công ty năm 2020 sẽ giảm 48% so với 2019; doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng.

Vietjet ghi lỗ hơn 2.100 tỷ đồng

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 của Vietjet Air dù không bết bát như Vietnam Airlines nhưng  cũng không mấy sáng sủa.

Theo công bố kết quả kinh doanh quý II/2020 của Vietjet Air,  dù trong quý, hãng mở rộng mạng bay nội địa lên 52 đường bay, với 14.000 chuyến bay, chuyên chở hơn 2 triệu lượt khách.

Nhưng, kết thúc quý 2/2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, hãng ghi nhận mức doanh thu dịch vụ vận tải hàng không đạt 1.970 tỷ đồng, giảm 54%, và lỗ 1.122 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, hãng lỗ trong hoạt động hàng không 2.111 tỷ đồng.

Nhằm gia tăng dòng tiền hỗ trợ hoạt động kinh doanh, Vietjet tích cực tìm kiếm các đối tác và đã thực hiện giải pháp chuyển nhượng tài sản và các khoản đầu tư tài chính, giúp tăng doanh thu tài chính 1.174 tỷ đồng. Nhờ đó lợi nhuận sau thuế từ tài chính đạt 1.063 tỷ đồng, hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không lỗ.

Vietjet đã và đang tích cực triển khai các chương trình tiết kiệm chi phí, với bình quân chi phí giảm 55% do giảm khai thác hơn 30 - 35%, và giảm đơn giá chi phí 20 - 25%.

Đặc biệt trong tháng 5, Vietjet đã triển khai thành công chương trình mua trữ xăng dầu trong giai đoạn giá thấp, giúp giảm chi phí 25% so với thị trường. Bên cạnh đó, Vietjet tích cực đàm phán với các nhà cung cấp giảm giá dịch vụ cảng, sân bay, kỹ thuật và các dịch vụ khác từ 20 - 45% tùy nhà cung cấp.

Hiện Vietjet có tổng tài sản 48.392 tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu đạt 17.339 tỷ đồng (bao gồm cổ phiếu quỹ). Chỉ số thanh khoản hiện hành tiếp tục duy trì ở mức 1,4 lần, chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu chỉ 0,57 lần. Vietjet tiếp tục thực hiện kế hoạch vay vốn dài hạn để tăng cường nội lực vượt qua khủng hoảng.

Trong bối cảnh dịch bệnh, Vietjet chính thức phát triển dịch vụ vận chuyển hàng hóa (cargo) từ tháng 4, là hãng hàng không đầu tiên được phê chuẩn triển khai khai thác vận chuyển hàng hóa trên khoang hành khách (CIPC).

 Đồng thời, hãng tăng cường dịch vụ thuê chuyến, mở rộng dịch vụ tự phục vụ mặt đất tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài để tối ưu chi phí vận hành.

Hiện, hàng không đang bước vào giai đoạn cao điểm Hè với lượng khách đi lại tăng mạnh. Nhưng, đợt dịch Covid-19 lần thứ 2 đang khiến hy vọng của các hãng hàng không tắt lịm và cao điểm Hè cũng kết thúc luôn từ cuối tháng 7 vừa qua.

Theo số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam, hiện 11 đường bay từ các cảng hàng không trong nước đi/đến Đà Nẵng với tổng số xấp xỉ 100 chuyến/chiều/ngày đã phải dừng hoàn toàn từ ngày 28/7.

Số chuyến bay khai thác nói chung đã giảm khoảng 12%, lượng khách giảm khoảng hơn 30%.

Trong ngày 30/7, các hãng hàng không chỉ khai khác 656 chuyến bay, chở hơn 93.500 hành khách. Tỷ lệ khách trên mỗi chuyến bay chỉ đạt khoảng 70%.

Được biết, cả 3 hãng hàng không lớn là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways đều kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT có thêm các chính sách hỗ trợ, đặc biệt đề xuất tiếp cận các khoản vay quy mô lớn, lãi suất 0 đồng để có thể vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.