Hàng không lo tắc nghẽn dịp Tết

ANTĐ - Việc các hãng hàng không nội địa lên kế hoạch tăng khoảng 400.000 chỗ ngồi để phục vụ người dân đi lại dịp Tết Bính Thân 2016 đã gây áp lực lớn lên nhà ga, sân bay. Đặc biệt, việc tăng chuyến bay sẽ dẫn đến tình trạng ùn tắc vùng trời trong những giờ, ngày cao điểm.

Hàng không lo tắc nghẽn dịp Tết ảnh 1

Sân bay Tân Sơn Nhất hiện đang tắc từ trên trời đến mặt đất

Ùn tắc dễ gây chậm hủy chuyến bay

Ông Vũ Thế Phiệt, Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, để phục vụ người dân đi lại chu đáo dịp Tết Nguyên đán 2016 các phương án đã được chuẩn bị sẵn sàng. Dự kiến, các hãng hàng không sẽ tăng khoảng 20% chuyến bay so với năm 2015, số máy bay cất hạ cánh sẽ tăng khoảng 15% so với cùng kỳ. Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng phương án khai thác cho từng ngày, từng khung giờ cao điểm, trong đó vấn đề an toàn, an ninh được đặt lên hàng đầu.

Theo nhìn nhận, nhà ga T2 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nên sân bay Nội Bài không lo tắc nghẽn mặt đất. Trên vùng trời, Trung tâm Kiểm soát đường dài Hà Nội cũng vừa chính thức triển khai thành công giai đoạn 3 vào đầu tháng 1-2016, năng lực điều hành bay được nâng lên gấp 2 lần so với trước đây.

Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, vấn đề “căng” nhất hiện nằm ở sân bay Tân Sơn Nhất. Trước tình hình tăng chuyến bay của các hãng hàng không, các bên đã đi đến thống nhất điều phối giờ hạ cất cánh (Slot) giai đoạn cao điểm tại Tân Sơn Nhất theo giới hạn 40-38-36 (40 chuyến/giờ-38 chuyến/giờ-36 chuyến/giờ).

Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, trên thực tế, trong một số giờ cao điểm, quản lý bay đã phải điều hành lên đến 42 chuyến. Trong vùng trời tiếp cận vào giờ cao điểm thường xuyên có 8-9 chuyến bay phải chờ, có chuyến bay phải bay đến sân bay dự bị vì thời gian bay chờ lâu. “Việc chấp nhận kế hoạch Slot 40-38-36 chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng ùn tắc trên trời nghiêm trọng hơn hiện nay, gây áp lực rất lớn lên kiểm soát viên không lưu. Đồng thời, việc tăng chuyến bay sẽ khiến chất lượng dịch vụ bị giảm sút nghiêm trọng vì chậm, hủy chuyến dây chuyền kéo dài, ùn tắc trong nhà ga, thậm chí có thể dẫn đến việc vỡ kế hoạch khai thác của nhiều hãng hàng không”, ông Lại Xuân Thanh nhìn nhận.

Người dân nên ra sân bay sớm hơn

Đánh giá về  nguy cơ tắc đường vào sân bay Tân Sơn Nhất, ông Lại Xuân Thanh thông tin, trong năm 2015 từng có trường hợp một hành khách bị tắc 3 giờ trên đường Trường Sơn không vào được sân bay. Thậm chí, đến giờ cất cánh nhưng có tàu bay vẫn phải đợi vì một nửa hành khách không lên được tàu  vì... tắc đường. Ông Lại Xuân Thanh nhận định: “Việc điều tiết giao thông cho hành khách đến sân bay Tân Sơn Nhất dịp Tết năm nay sẽ còn gặp khó khăn do đường Trường Sơn mới có thêm đường thông từ Bình Lợi sang. Thêm vào đó, giờ bay “vàng” tại Tân Sơn Nhất lại trùng với giờ tan tầm nên việc di chuyển ra sân bay của hành khách rất vất vả”.

Theo ông Lại Xuân Thanh, hành khách nên ra sân bay sớm hơn bình thường, tránh tình trạng ra muộn có thể gặp trục trặc trong khi làm thủ tục, đồng thời nên hạn chế người nhà đưa đón trong dịp cao điểm vì sức chứa của sân bay Tân Sơn Nhất cũng đang quá tải.

Lãnh đạo Cục Hàng không yêu cầu các hãng hàng không đã lên kế hoạch tăng tải dịp Tết Nguyên đán 2016 phải huy động mọi nguồn lực nhằm đảm bảo kế hoạch khai thác. Tổng Công ty Quản lý bay điều tiết nhân lực, áp dụng quản lý luồng tuyến với nguyên tắc tàu bay chờ trên mặt đất tốt hơn trên trời. Bên cạnh đó, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam và Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất bổ sung máy soi chiếu an ninh, rà soát bố trí lại khu vực, luồng tuyến trong nhà ga, có kế hoạch cụ thể ứng phó với tình trạng ùn tắc nghiêm trọng, đặc biệt là việc điều phối linh hoạt quầy làm thủ tục, điểm kiểm tra soi chiếu an ninh, cửa ra tàu bay.