Hàng không "khát" nhân lực và "cuộc chiến" giành giật phi công

ANTD.VN - Liên tiếp các cuộc “giành giật” nhân lực kỹ thuật cao của ngành hàng không diễn ra giữa các hãng nội địa thời gian qua đã tạo nhiều dư luận không mấy tích cực.

Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam chưa đồng tình việc tăng đội tàu bay đột xuất của Bamboo Airways trong năm 2019 cũng liên quan đến nhân lực kỹ thuật cao càng khiến dư luận đặt vấn đề.

Phát triển nóng, chưa chuẩn bị đủ nhân sự

Tình trạng “khát” nhân lực kỹ thuật cao của ngành hàng không được dự báo từ những năm 2015-2016 bởi tốc độ phát triển của ngành vận tải hàng không ở Việt Nam cũng như trên thế giới quá mạnh mẽ.

Từ cuối năm 2016, Cục Hàng không Việt Nam đã nhận định, ngành hàng không dân dụng phát triển với tốc độ nhanh, một số doanh nghiệp có biểu hiện phát triển nóng, đặc biệt là phát triển đội tàu bay trong khi chưa chuẩn bị các nguồn lực và nhân lực dẫn đến khủng hoảng thiếu nguồn nhân lực chuyên ngành kỹ thuật cao như phi công, thợ kỹ thuật tàu bay.

Thực tế đã xảy ra tình trạng cạnh tranh gay gắt nguồn nhân lực trong nội bộ ngành hàng không. Đến nay, cuộc chiến giành giật nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không càng gay gắt hơn.

Việt Nam chưa thể tự đào tạo được một phi công hoàn thiện

Ông Dương Trí Thành, Tổng  Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, Vietnam Airlines đang khai thác vận hành trên 115 máy bay với tổng số cán bộ nhân viên hơn 20.000 người, trong đó lực lượng phi công là 1.200 người, kỹ sư máy bay có 2.500 người, đội ngũ tiếp viên 3.000 người. Trong đó, đội ngũ phi công hãng tự đào tạo đến 800 người.

“Để đào tạo 1 phi công lái chính Airbus A320, A321, hãng cần ít nhất 3-4 năm đào tạo cơ bản. Với phi công lái Airbus A350, Boeing 787, công tác này kéo dài tới 7-8 năm”- ông Thành cho hay.

Cũng theo lãnh đạo Vietnam Airlines, để có được 160 phi công của đội tàu bay 11 chiếc Boeing 787-9 đang khai thác, từ năm 2008, Vietnam Airlines đã tuyển chọn, chuẩn bị lực lượng và chuyển loại cũng như chuyển giao công nghệ, đòi hỏi thời gian đào tạo khá dài.

Thông tin từ Vietnam Airlines cho biết, tại Vietnam Airlines hiện nay, chế độ bảo hiểm sức khỏe cho phi công áp dụng 100 triệu đồng/người/năm; Bảo hiểm hưu trí tự nguyện là 300 triệu đồng/người/năm và mức lương của phi công Việt Nam đang được đẩy dần lên bằng khoảng 75% phi công nước ngoài, cao nhất là 300 triệu/tháng. Trung bình, phi công Việt nhận 150 triệu đồng/người/tháng.

Tuy vậy, từ khi thị trường hàng không có sự cạnh tranh mạnh hơn với sự tham gia của nhiều hãng hàng không, Vietnam Airlines đang phải đối diện với nguy cơ “chảy máu” chất xám do các doanh nghiệp mới sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút, “kéo” phi công của hãng.

Bởi vậy, lãnh đạo Vietnam Airlines kiến nghị, cơ quan quản lý Nhà nước cần ban hành các quy định về kế hoạch sản xuất kinh doanh, mở rộng đội tàu bay của các hãng hàng không phù hợp, đồng bộ với quy hoạch, tốc độ phát triển hạ tầng, kỹ thuật của đất nước.

Hàng không không thể phát triển tự do quá mức

Trong khi đó, báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, dự báo đến năm 2020, nguồn nhân lực của ngành sẽ có 48.860 người, chủ yếu vẫn là lực lượng lao động của các doanh nghiệp hàng không, khoảng hơn 40.000 người.

Đặc biệt, theo Cục Hàng không, nhu cầu về giám sát viên an toàn hàng không rất lớn, đặc biệt đối với lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay, bảo đảm hoạt động bay để đảm bảo về số lượng giám sát viên theo định mức khuyến cáo của ICAO, nhằm thực thi đầy đủ trách nhiệm và nhiệm vụ của nhà chức trách hàng không theo quy định.

Thiếu giám sát viên trực thuộc Cục Hàng không cũng đang được xem là một “cản trở” lớn đối với việc các hãng hàng không nội địa muốn tăng đội tàu bay một cách “đột xuất”.

Vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trước mắt chưa thể xem xét cho đội bam của Bamboo Airways tăng lên hơn 30 chiếc trong năm 2019. Dư luận cho rằng, quyết định này của Cục Hàng không đang cản trở sự phát triển của vận tải hàng không, cản trở doanh nghiệp.

Tuy vậy, nhìn nhận về tình trạng khát nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, việc phát triển của các hãng hàng không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ năng lực của cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là năng lực kiểm soát an ninh, an toàn.

“Hàng không không phải là một sân chơi riêng mà chúng ta phải tuân thủ quy tắc của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế- ICAO. Cái này đã có barem rất cụ thể, một tàu bay, một nhà khai thác thì phải có bao nhiêu người chăm lo cho việc kiểm soát an toàn khai thác”- ông  Thanh chia sẻ.

Theo đó, với hàng không, quản lý Nhà nước là 1 bộ phận trong dây chuyền vận tải hết sức quan trọng, năng lực quản lý của nhà chức trách hàng không đóng vai trò then chốt. Thậm chí, theo ông Thanh, muốn phát triển thêm các hãng hàng không, đội tàu bay thì phải nhìn vào năng lực phát triển của nhà chức trách hàng không.

“ICAO không bao giờ thanh tra các hãng hàng không mà sẽ kiểm tra năng lực giám sát, kiểm soát của Cục Hàng không. Nếu Cục mà đạt thì nghiễm nghiên họ đánh giá việc khai thác của các hãng đảm bảo; còn nếu năng lực của Cục Hàng không bị đánh giá không đạt thì đồng nghĩa ICAO đánh giá, năng lực giám sát của các hãng không đảm bảo an toàn”- ông Thanh chia sẻ thêm.