Hai đường băng hư hỏng tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất chính thức được cải tạo

ANTD.VN - Hai đường băng tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Sáng nay, 29/6, hai đường băng tại hai sân bay này chính thức được cải tạo, nâng cấp. 

Sáng nay, 29/6, Bộ GTVT đã khởi công xây dựng các dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Theo Bộ GTVT, từ năm 2017 đến nay, do phải khai thác vượt tần suất thiết kế, tiếp nhận nhiều loại máy bay thế hệ mới với tải trọng lớn (như A350-900, B787-9, B787-10) nên hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn của 2 CHKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã bị xuống cấp và ngày càng nghiêm trọng.

Đường cất hạ cánh tại sân bay Nội Bài thường xuyên bị hư hỏng trong thời gian qua

Tình trạng xuống cấp kết cấu mặt đường băng như hiện nay nếu không được cải tạo, nâng cấp kịp thời có thể phải dừng khai thác hoạt động bay, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh tế, đối ngoại của đất nước tại 2 Cảng hàng không cũng như gây mất an toàn, an ninh hoạt động hàng không.

Ngoài ra, hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn hiện hữu tại CHKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất không đáp ứng được nhu cầu khai thác đến năm 2025 dự kiến đạt đến 44 triệu hành khách/năm đối với CHKQT Nội Bài và 50 triệu hành khách/năm đối với CHKQT Tân Sơn Nhất.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và lãnh đạo Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội, TP.HCM phát lệnh khởi công dự án cải tạo đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất

Đối với dự án CHKQT Nội Bài, cải tạo nâng cấp đường cất hạ cánh 11L/29R và đường cất hạ cánh 11R/29L (1B); xây dựng mới các đường lăn thoát nhanh, cải tạo, nâng cấp các đường lăn hiện hữu…

Tổng mức đầu tư của dự án là 2.031 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 1.449 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình động viên cán bộ, công nhân viên tham gia Dự án cải tạo, nâng cấp sân bay Nội Bài

Thời gian thi công theo 2 bước: bước 1 là 6 tháng, đảm bảo khai thác được 3.200m đường cất hạ cánh 1B cho máy bay Code C nhằm phục vụ Tết nguyên đán năm 2021; bước 2 là 12 tháng, bàn giao đưa công trình vào khai thác trước tết nguyên đán năm 2022.

Nhà thầu thi công là liên danh Tổng công ty xây dựng công trình hàng không (ACC) – Công ty CP phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam (VINADIC) – Tổng công ty xây dựng Trường Sơn.

Đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh 25R/07L; xây dựng các đường lăn thoát nhanh, đường lăn song song…

Tổng mức đầu tư của dự án là 2.015 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 1.443 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Thời gian thi công theo 2 bước: bước 1 là 6 tháng, bước 2 là 14 tháng (khởi công vào cuối tháng 6/2020, hoàn thành vào cuối năm 2021). Nhà thầu thi công là liên danh ACC – CIENCO4 – Công ty CP Xây dựng công trình hàng không 647.

Đáng nói, tại sân bay Tân Sơn Nhất phải đóng cửa một đường cất hạ cánh, một số đường lăn Tân Sơn Nhất để thi công dự án cải tạo, nâng cấp.

Theo đó, đường cất hạ cánh 25R/07L, đường lăn E1, NS1, W4, W6 sẽ đóng cửa vào thời gian từ 0 giờ ngày 1/7/2020 đến 14 giờ ngày 31/12/2020 (giờ địa phương).

Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, sau khi được nâng cấp, cải tạo hai đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất sẽ đáp ứng được nhu cầu CHC cho các tàu bay thế hệ mới như A350, B787-9…đảm bảo an toàn khai thác, an ninh quốc phòng, đảm bảo năng lực khai thác của hai CHKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, việc cải tạo nâng cấp được thực hiện theo phương án vừa đảm bảo khai thác vừa thi công. Do đó, trong quá trình triển khai, cần xây dựng phương án khai thác và điều hành bay tại 2 Cảng một cách khoa học, đảm bảo an toàn an ninh hàng không. Đặc biệt, phải tính đến phương án dự phòng khi có tình huống khẩn nguy.