Hạ tầng quá tải, cơ hội nào cho Vietstar Airlines cất cánh?

ANTD.VN -Vietstar Airlines-hãng hàng không đã nộp đơn xin cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không từ khá lâu nhưng đến nay, “cửa bay” cho hãng này còn khá hẹp và vẫn phải tiếp tục chờ đợi.

Mở rộng Tân Sơn Nhất mới xem xét cấp phép

Trong văn bản mới nhất gửi Bộ GTVT về việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT xem xét kiến nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietstar, giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, tại Công văn số 309/TB - VPCP, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, để nâng cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển lành mạnh và bền vững, việc chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy phép kinh doanh vào lĩnh vực hàng không cần được xem xét một cách thận trọng và đúng quy định của pháp luật; bảo đảm tuyệt đối an toàn và an ninh hàng không trong mọi tình huống.

Vietstar Airlines sẽ phải chờ ít nhất 4 năm nữa để được cấp phép bay

Trước đó, tại Văn bản số 494/TTg - CN, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án vận tải hàng không và cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar sẽ được xem xét sau khi đã hoàn thành xây dựng thêm nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay theo đúng phương án điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Như vậy, dù nộp đơn xin cấp phép bay vào tháng 12-2017 nhưng đến nay, việc cấp Giấy phép vận chuyển hàng không cho Vietstar Airlines phải chờ đến khi hoàn thành mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho rằng, theo quy định mới, việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo Nghị định 92 của Chính phủ về kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không chỉ được xem xét sau khi Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hàng không, tương tự như trường hợp của Bamboo Airways vừa qua.

Trong khi đó, tại Văn bản số 10902/VPCP-CN ngày 9-11-2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ GTVT xây dựng các phương án huy động vốn để mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trong đó ưu tiên phương án huy động vốn xã hội cho đầu tư và làm rõ thuận lợi, khó khăn của từng phương án.

Bộ GTVT đề xuất lựa chọn phương án tối ưu và hiệu quả nhất để có thể đa hạng mục đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ và nhà ga hành khách T3 vào khai thác trong năm 2020.

Bốn năm nữa hay là hơn?

Tuy nhiên, động thái mới nhất là Bộ GTVT vừa chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) nghiên cứu, xây dựng các phương án huy động vốn, lộ trình đầu tư Nhà ga hành khách T3 và các công trình đồng bộ tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Thời gian ACV phải hoàn thành nhiệm vụ này là cuối tháng 11-2018.

Theo Bộ GTVT, nếu thực hiện xã hội hóa đầu tư, bộ này sẽ phải tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) mất khoảng 1,5 - 2 năm.

Do đó, việc nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lên 50 triệu hành khách/năm khó có thể hoàn thành vào năm 2022, trong khi áp lực quá tải tới cửa ngõ hàng không lớn nhất nước đang rất căng thẳng.

Dù đến hiện tại, ACV vẫn chưa được “chốt” là doanh nghiệp sẽ tham gia vào dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 tại Tân Sơn Nhất và một số công trình khác với tổng mức đầu tư khoảng 25.000 tỷ đồng, song nếu được giao là nhà đầu tư thì tiến độ cũng khó có thể đẩy nhanh.

Theo trình tự, trong trường hợp ACV được giao làm nhà đầu tư, với các bước thủ tục được tiến hành thuận lợi, nhanh chóng thì cũng phải đến năm 2022 mới hoàn thành xây dựng nhà ga hành khách T3 với công suất 20 triệu khách/năm.

Khi đó, Vietstar Airlines mới có thể được cất cánh, và như vậy, đồng nghĩa Vietstar sẽ phải mất 4 năm nữa chờ đợi để hiện thực hóa giấc mơ bay.

Dù vậy, theo nhiều chuyên gia cũng như đánh giá từ Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế, thị trường vận tải hàng không Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển đầy sôi động. Song, cửa nào cho Vietstar Airlines thì vẫn còn phải chờ đợi thực lực của hãng.

Trong khi kế hoạch của Vietstar Airlines đưa ra, giai đoạn 2018-2021, hãng sẽ khai thác 10 tàu bay chở khách loại A320/321 hoặc B737.

Nhìn vào chiến lược này, các chuyên gia cho rằng, mức độ “phủ sóng” của Vietstar Airlines cũng chưa đủ để gây tác động đến thị trường vận tải hàng không.