Hà Nội ráo riết triển khai các giải pháp chống ùn tắc giao thông dịp cuối năm

ANTD.VN - Càng gần Tết Nguyên đán 2019, tình hình giao thông trên địa bàn Hà Nội càng diễn biến phức tạp. Tình trạng ùn tắc gia tăng, cả trong những khung giờ thấp điểm. Những nút giao trước đây thông thoáng nay cũng rơi vào ùn ứ.

Chia sẻ về tình hình ùn tắc cũng như một số giải pháp trước mắt và lâu dài để giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, để phục vụ nhân dân đi lại trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, ngoài việc đảm bảo duy tu, duy trì, đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng lưu thông thuận lợi, an toàn, Sở GTVT đang nâng cấp, cải tạo, mở rộng một số đoạn tuyến Vành đai 2 và 3.

Tuyến Vành đai 3 dưới thấp, đoạn từ Nghiêm Xuân Yên - Phạm Hùng, dự kiến sẽ hoàn thành cải tạo, đưa vào sử dụng trước ngày 25 tháng Chạp tới; xén hè mở rộng đường Láng sẽ hoàn thiện trước ngày 28 tháng Chạp này. Khi đưa vào khai thác, sử dụng, 2 đoạn tuyến nêu trên sẽ góp phần giải quyết rất nhiều nút thắt giao thông.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội

Bên cạnh việc cấm đào đường, hè, trong những ngày cao điểm Tết, liên ngành thành phố sẽ thực hiện cấm phương tiện xe tải, xe kinh doanh lớn trên một số tuyến phố. Sở GTVT cũng tăng cường tổ chức vận tải, phục vụ nhân dân dịp Tết; tổ chức kiểm tra an toàn kỹ thuật đối với phương tiện, khám sức khỏe người lái...

- PV: Trong năm 2019, Sở GTVT sẽ tập trung vào những vấn đề gì để cải thiện tình hình giao thông trên địa bàn, thưa ông?

- Ông Vũ Văn Viện: Năm 2019, Sở GTVT sẽ tiếp tục triển khai những nội dung liên quan đến quản lý phương tiện cá nhân với nhiều đề án rất quan trọng. Theo đó, có “Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, tổ chức giao thông”, qua đó xây dựng bản đồ số giao thông; cung cấp thông tin giao thông thực trên địa bàn cho người tham gia giao thông lựa chọn đường đi cho phù hợp.

Chúng tôi cũng xây dựng “Đề án quản lý phương tiện ra vào khu vực trung tâm”, với mong muốn dùng biện pháp kinh tế để điều tiết tổ chức giao thông cho phù hợp với nhu cầu và kết cấu hạ tầng giao thông. Sở GTVT đang phối hợp với Viện Chiến lược và phát triển GTVT, Bộ GTVT và các đơn vị liên quan nghiên cứu kỹ càng để triển khai từng bước theo lộ trình phù hợp.

Theo Quy hoạch GTVT TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, phải đảm bảo tỷ lệ 20 - 26% diện tích đất dành cho giao thông và 3 - 4% dành cho giao thông tĩnh.; vận tải khách công cộng phải đạt từ 50 – 55%.

Song, tính đến hết năm 2018, tỷ lệ đất dành cho giao thông tại Hà Nội mới đạt được khoảng 9,38%. Đất dành cho giao thông tĩnh mới đạt dưới 1%; tỷ lệ vận tải khách công cộng mới đạt 14%.

Càng về cuối năm, tình hình ùn tắc trên địa bàn Hà Nội càng diễn biến phức tạp

Như vậy tất cả các chỉ số phục vụ GTVT của Hà Nội đều thấp hơn rất nhiều so với yêu cầu. Để đảm bảo tổ chức giao thông chúng ta sẽ phải phân phối theo từng giờ, từng khu vực, tuyến đường để tận dụng tối đa kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân cũng như sự phát triển của Thủ đô.

- Trong các giải pháp mà ông đã nêu ở trên thì giải pháp nào được xem là trọng yếu?

- Dù thời gian qua, thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giảm số "điểm đen" ùn tắc giao thông, đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của người dân trong dịp cao điểm. Nhưng nếu không đẩy nhanh được tiến độ đầu tư, xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tình trạng ùn tắc sẽ ngày càng diễn biến phức tạp, khó khăn.

Do vậy, Hà Nội vẫn tập trung lấy giải pháp đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là chủ yếu. Thành phố đang tích cực triển khai các dự án giao thông trọng yếu như: Vành đai 1, Vành đai 2 và Vành đai 3; cũng như một loạt các công trình kết nối giao thông giữa các khu đô thị, các khu trung tâm với ngoại thành. Ngoài ra, thành phố cũng đang tập trung tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông.

- Đề án thu phí phương tiện vào nội đô và Đề án quản lý taxi hiện đang được Sở GTVT triển khai như thế nào, thưa ông?

- Đề án thu phí phương tiện vào một số khu vực trung tâm thành phố đã được Chính phủ đồng ý về chủ trương. Hy vọng trong năm 2019, Đề án này sẽ được hoàn thiện và trình các cấp có thẩm quyền xem xét. Tương tự, Đề án Quản lý hoạt động của xe taxi trên địa bàn thành phố đã cơ bản hoàn thiện. Chúng tôi sẽ trình UBND TP báo cáo HĐND TP xem xét, phê duyệt sớm.