Hà Nội "ngạt thở" với 3.000 taxi ngoại tỉnh

ANTD.VN - Trong khi Hà Nội đã hạn chế việc phát triển mới xe taxi để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông thì hiện có khoảng 3.000 xe taxi đăng ký phù hiệu tại các tỉnh, thành phố lân cận nhưng lại dồn về Thủ đô hoạt động. Thực trạng này đã gây bất bình trong các doanh nghiệp taxi, gia tăng tình trạng ùn tắc và khó kiểm soát hoạt động vận tải trên địa bàn thành phố.

Hà Nội "ngạt thở" với 3.000 taxi ngoại tỉnh  ảnh 1Cần rà soát lại taxi đang hoạt động ở địa bàn Hà Nội

Ồ ạt xin cấp phù hiệu “xe hợp đồng”

Ông Đào Việt Long, Trưởng phòng quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT Hà Nội cho biết, theo Đề án taxi đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, năm 2015 số lượng xe taxi của thành phố là 20.000 xe; đến năm 2020 sẽ phát triển số lượng 25.000 xe.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, phương tiện ô tô dưới 9 chỗ ngồi tham gia kinh doanh vận chuyển hành khách trên địa bàn thành phố tăng đột biến với nhiều hình thức như: phương tiện được Sở GTVT Hà Nội cấp phù hiệu “Taxi Hà Nội”; phương tiện được Sở GTVT các tỉnh/thành phố khác cấp phù hiệu “Xe taxi” về hoạt động tại Hà Nội; phương tiện được Sở GTVT Hà Nội cấp phù hiệu “Xe hợp đồng” hoạt động thí điểm theo hình thức Grabtaxi; phương tiện được Sở GTVT các tỉnh/thành phố khác cấp phù hiệu “Xe hợp đồng” hoạt động thí điểm theo hình thức Grabtaxi về hoạt động tại Hà Nội; phương tiện không có phù hiệu theo quy định (hay còn gọi là “taxi dù”); phương tiện hoạt động Ubertaxi. Đến tháng 6-2016, số lượng xe ô tô dưới 9 chỗ được Sở GTVT Hà Nội cấp phù hiệu “Xe hợp đồng” là 4.012 chiếc. 

Đến thời điểm hiện tại, số lượng xe taxi trên địa bàn Hà Nội là 19.265 xe, thuộc quản lý của 77 đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi, nằm trong phạm vi cho phép của Đề án taxi được duyệt. Từ năm 2011, Sở GTVT Hà Nội đã tạm dừng việc cấp phép thành lập thêm hãng taxi và không cho tăng số lượng xe của các hãng taxi đang hoạt động trên địa bàn, đồng thời rà soát, kiểm đếm phương tiện taxi và đưa ra nhiều giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng taxi. 

Việc gia tăng số lượng xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi theo hình thức này trên địa bàn thành phố là một điều đáng phải quan tâm, đòi hỏi Bộ GTVT phải sớm ban hành quy định về quản lý, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc đi lại của người dân, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình vận tải và đúng quy định của pháp luật. Trong thời gian chờ ban hành quy định quản lý đối với loại hình này, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT sớm quy định rõ số lượng xe tối thiểu kinh doanh Grabtaxi trên địa bàn thành phố nhằm đảm bảo phù hợp với mục tiêu của Đề án taxi đã được phê duyệt. 

Có căn cứ xử phạt taxi ngoại tỉnh 

Được biết, do các đơn vị có nhu cầu phát triển mở rộng sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu đi lại bằng taxi của người dân trên địa bàn Hà Nội nên một số doanh nghiệp có Giấy phép kinh doanh vận tải đang hoạt động tại Hà Nội đã thành lập chi nhánh tại các tỉnh lân cận (Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hòa Bình, Ninh Bình, Thái Nguyên, Hà Nam, Nam Định...), đầu tư phương tiện và xin cấp phù hiệu của các tỉnh đó. Hầu hết các phương tiện này được đưa về hoạt động thường xuyên trên địa bàn Hà Nội. Việc này một mặt gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước, gây mất trật tự an toàn giao thông, mặt khác đi ngược lại với chủ trương hạn chế gia tăng số lượng xe taxi trên địa bàn thành phố. 

Thống kê sơ bộ của Phòng Quản lý vận tải đường bộ cho thấy, tính đến tháng 6-2016, Sở GTVT Hà Nội đã xác nhận 7.598 xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi chuyển đi xin cấp phù hiệu ở các địa phương khác. Qua rà soát, phần lớn các phương tiện này được đưa về hoạt động thường xuyên trên địa bàn Hà Nội (khoảng gần 3.000 xe).  

Ông Đào Việt Long cho rằng, hiện chưa có quy định cụ thể nào về việc cấm taxi ở các tỉnh khác về Hà Nội trả khách. Tuy nhiên, phương tiện thuộc các đơn vị, chi nhánh của các tỉnh về hoạt động thường xuyên tại Hà Nội đã không thực hiện đúng phương án kinh doanh vận tải đã đăng ký với Sở GTVT các tỉnh, thành phố đó. Do vậy, Sở GTVT Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các Sở GTVT các tỉnh, thành phố quản lý, theo dõi hoạt động của các phương tiện đã được cấp phù hiệu. Đặc biệt theo dõi qua thiết bị giám sát hành trình để nhắc nhở các đơn vị vận tải phải nghiêm túc việc thực hiện theo đúng phương án đã đăng ký. Nếu tái vi phạm, có thể thu hồi phù hiệu theo quy định.

Bắc Ninh là một trong những nơi có số lượng xe taxi về Hà Nội hoạt động khá nhiều. Theo số liệu của Sở GTVT tỉnh này, hiện có 870 xe taxi mang BKS Hà Nội do Bắc Ninh cấp phù hiệu taxi và có 469 xe đã từng được Sở GTVT Hà Nội cấp phù hiệu nhưng hết hạn và qua Bắc Ninh xin cấp lại. Để giải quyết thực trạng này, ông Lê Ngọc Tuyển, Giám đốc Sở GTVT Bắc Ninh cho rằng, Sở GTVT Hà Nội cần họp Sở GTVT các tỉnh lân cận để cùng bàn bạc, từ đó đưa những biện pháp phù hợp để khắc phục những hạn chế, bất cập này.