Hà Nội chỉ hạn chế xe máy khi vận tải công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân

ANTD.VN - Sở GTVT Hà Nội khẳng định, chỉ đề xuất xem xét dừng hoạt động xe máy khi hệ thống vận tải khách công cộng và các phương tiện thay thế đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Vận tải công cộng phải đáp ứng nhu cầu đi lại của dân

Hiện nay, thành phố Hà Nội có khoảng 6,6 triệu phương tiện cơ giới đường bộ, trong đó xe máy lên tới 6 triệu chiếc, tốc độ tăng trưởng hàng năm của ô tô là 11%, của xe máy là 6,75%.

Trong khi, diện tích đất dành cho giao thông mới chỉ đạt 9,38%, trong đó diện tích đất dành cho giao thông tĩnh mới đạt 0,11%. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế, phương tiện hiện nay, hệ thống hạ tầng không thể đáp ứng kịp.

Tính toán của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, diện tích chiếm dụng của phương tiện giao thông đã vượt năng lực đáp ứng của hạ tầng giao thông. Diện tích chiếm dụng phương tiện đã chiếm 1,34 lần diện tích mặt đường toàn thành phố và 3,7 lần khu vực vành đai 3.

Nhiều tuyến đường trên địa bàn Hà Nội rơi vào tình trạng ùn tắc nghiêm trọng vào các khung giờ cao điểm

Giai đoạn vừa qua, số điểm ùn tắc giao thông đã giảm từ 44 điểm năm 2015 xuống còn 27 điểm vào năm 2019, nhưng tình hình ùn tắc giao thông vẫn diễn biến rất phức tạp, thời gian ùn tắc kéo dài, mức độ ùn tắc thường xuyên và nghiêm trọng hơn, đặc biệt trong khu vực trung tâm với trên 80% số điểm.

“Vì vậy, việc phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030 là hết sức cần thiết, nhằm xác định cụ thể phạm vi dừng hoạt động của xe máy, các điều kiện cần thiết dể đáp ứng sự đi lại của nhân dân khi dừng hoạt động của xe máy”- đại diện Sở GTVT nêu quan điểm.

Tại Đề án “Phân vùng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận đến năm 2030”, Sở GTVT Hà Nội cho hay, căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông và vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) sẽ tiến hành lựa chọn vành đai hạn chế hoạt động phù hợp.

Trong đó, quy hoạch giao thông Hà Nội đến năm 2030 thành phố sẽ quy hoạch 5 tuyến vành đai gồm: Vành đai 1, 2, 3, 4, 5 và vành đai 3,5  không khép kín, mang tính chất là đường trục chính đô thị.

Bởi vậy, trong quá trình xây dựng Đề án, sẽ đưa ra vùng hạn chế xe máy phù hợp, tùy tình hình thực tiễn, tác động giao thông và khả năng đáp ứng của VTHKCC. Quá trình xây dựng sẽ được lấy ý kiến đầy đủ các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức, nhân dân…

Sở GTVT khẳng định, chỉ đề xuất xem xét dừng hoạt động xe máy khi hệ thống VTHKCC và các phương tiện thay thế đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Để đảm bảo yêu cầu này, đến năm 2030, cần đưa vào hoạt động 8 tuyến đường sắt đô thị, khoảng 200 tuyến xe buýt, 35.000 xe taxi, 50.000-55.000 xe hợp đồng, 15-20 tuyến minibus…

Có thể xem xét dừng đăng ký xe máy tại một số quận

Để thực hiện được việc hạn chế xe máy, Đề án cũng đưa ra một số các giải pháp hỗ trợ như dừng cấp đăng ký mới xe máy tại một số quận khu vực trung tâm; không hạn chế xe máy ngoài giờ hoạt động của VTHKCC; miễn, giảm giá vé sử dụng dịch vụ VTHKCC đối với người dân sinh sống trong khu vực hạn chế…

Trên cơ sở mục tiêu và các điều kiện để năm 2030 dừng hoạt động xe máy tại nội thành, đề xuất trong giai đoạn 2020-2030, cần lựa chọn các tuyến phố và các khu vực có thể thực hiện việc dừng hoạt động xe máy khi đảm bảo các điều kiện đặt ra.

Đối với tuyến đường, hạn chế hoạt động xe máy trên tuyến đường có năng lực hệ thống VTHKCC đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, tập trung nghiên cứu trên các tuyến có đường sắt đô thị.

Tuy nhiên, Đề án cũng đưa ra yêu cầu, cần xem xét kỹ việc ảnh hưởng tới các tuyến đường xung quanh; đề xuất xem xét các tiêu chí về ùn tác giao thông khi hạn chế hoạt động xe máy trên các tuyến.

Cùng với mở rộng không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm trong phạm vi khu bảo tồn cấp I, cần nghiên cứu tổ chức không gian đi bộ trên toàn thành phố như khu vực khác như Thủ Lệ, hồ Thành Công, hồ Trúc Bạch, Quảng Bá- Trịnh Công Sơn…

Bên cạnh đó, sẽ thực hiện việc dừng xe máy có thể theo giờ và theo ngày trong tuần đối với khu vực, tuyến đường lựa chọn (trên các tuyến đường hạn chế vào các khung giờ cao điểm…).

“Để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, đề xuất chỉ hạn chế xe máy trong khung giờ hoạt động của hệ thống VTHKCC, từ 6h-22h”- Đề án nêu.

Mức phí thu phương tiện vào nội đô sẽ không cao

Liên quan đến Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố”, Sở GTVT Hà Nội cho biết, đây là giải pháp kinh tế nhằm hạn chế phương  tiện giao thông đi vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới cũng đã áp dụng.

Theo đó, phí “phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường” là một loại phí mới, không trùng lặp với các loại phí khác; áp dụng công nghệ thu phí hiện đại, đảm bảo tính kết nối với thiết bị thu phí không dừng trên toàn quốc tránh gây ùn tắc giao thông tại các điểm thu phí.

Phạm vi thu phí được xác định theo  đường vành đai khép kín trong địa bàn thành phố, song việc lựa chọn vành đai thu phí sẽ dựa trên các kết quả đánh giá tác động giao thông.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội khẳng định, đây là hoạt động phi lợi nhuận, mức thu phí chung được tính toán dựa trên việc đáp ứng tổ chức quản lý hoạt động thu phí. Mức thu cụ thể sẽ được tính toán phân bố theo hướng tăng dần đối với các loại phương tiện giao thông cơ giới có nguy cơ cao gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, các loại phương tiện cá nhân và các loại phương tiện có mức xả khí thải nguy cơ ô nhiễm cao.

Được biết, sáng mai, 25/10, Sở GTVT Hà Nội sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng 2 Đề án trên với sự tham gia của nhiều đơn vị chuyên môn, sở ngành, hiệp hội chuyên môn, các Sở GTVT địa phương như TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng…