Grab-Uber Đông Nam Á về một nhà: Lái xe Uber rối bời lo lắng...

ANTD.VN -Ngày Uber rút khỏi thị trường Đông Nam Á đã cận kề, và từ 8-4 tới đây, Grab sẽ một mình một chợ với loại hình “taxi công nghệ”.

Dù chỉ còn vài ngày nữa, Uber sẽ chính thức rút khỏi thị trường Đông Nam Á, nhượng lại sân chơi cho Grab để đổi lấy hơn 27% cổ phần tại Grab, nhưng đến lúc này, lái xe tham gia Uber và hành khách “ruột” của Uber vẫn rối bời.

Hàng nghìn câu hỏi như, lái xe Uber sẽ đi đâu về đâu, người tiêu dùng lo ngại sẽ có sự tăng giá  vì Grab đã không còn đối thủ cạnh tranh… chưa được các nhà quản lý cũng như Grab trả lời thấu đáo.

Chỉ còn vài ngày nữa, Uber sẽ rút khỏi thị trường Đông Nam Á, nhường lại sân chơi cho Grab

Đặc biệt là nhiều lái xe tham gia Uber đã không tận dụng xe nhàn rỗi mà cầm cố, vay mượn ngân hàng để mua xe, rồi tham gia chạy Uber, và từ ngày 8-4 tới đây, các lái xe này chưa biết “số phận” mình sẽ như thế nào. Bán xe trả nợ, hay tham gia vào gia đình mới...?.

Về những băn khoăn của lái xe cũng như người tiêu dùng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông bày tỏ, bản thân ông cũng có phần e ngại về việc Grab sẽ độc quyền. Tuy nhiên, ông Đông cho rằng, Bộ Công Thương cũng đã vào cuộc, yêu cầu Grab báo cáo về việc sáp nhập.

“Việc sáp nhập Uber Đông Nam Á với Grab là hoạt động của doanh nghiệp và chiếu theo Luật Doanh nghiệp trong quy định của Việt Nam và thế giới đều có thể thực hiện”, Thứ trưởng Đông nhìn nhận.

Hơn nữa, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) sẽ có trách nhiệm trong việc, Grab có vi phạm cạnh tranh  và độc quyền hay không?. Và, không chỉ có Grab, liên quan đến công nghệ hỗ trợ kết nối vận tải sau 2 năm thí điểm đã có đến 10 đơn vị triển khai ứng dụng công nghệ và các hãng taxi truyền thống cũng đang triển khai kết nối thuận lợi vận tải.

“Tính cạnh tranh 2 đơn vị Uber và Grab không còn nhưng vẫn còn các đơn vị cung cấp khác và thực hiện theo Luật Cạnh tranh”, ông Đông cho hay..

Bổ sung thêm ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho rằng, về mặt quản lý Nhà nước đối với Uber và Grab, hiện các bộ, ngành đều thực hiện đầy đủ các quy định liên quan, giải quyết cạnh tranh hay độc quyền được thực hiện theo Luật Cạnh tranh của Bộ Công Thương.

“Vừa qua, Bộ Tài chính yêu cầu Grab cung cấp toàn bộ hồ sơ chuyển nhượng Uber. Các cơ quan chức năng đã có đầy đủ các yêu cầu để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, đối tác Uber và Grab,” ông Ngọc nhấn mạnh.

Còn về việc, hàng nghìn lái xe Uber sẽ đi đâu về đâu sau khi Uber sáp nhập vào Grab, ông Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, bản thân mỗi lao động phải tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Lái xe Uber ký kết hợp đồng với các HTX vận tải ra sao, ký kết với Uber như thế nào là một thỏa thuận dân sự, Bộ GTVT không thể can thiệp vào việc này.

“Bộ GTVT sẵn sàng tiếp xúc và giao Vụ vận tải giải đáp các thắc mắc của lái xe. Nhưng thực tế, cũng nên nhìn nhận rằng, khi anh thực hiện đầu tư xe để kinh doanh, anh chưa xem xét chặt chẽ vấn đề pháp lý, hợp đồng dân sự để đảm bảo pháp lý của mình, nên không tránh khỏi rủi ro. Nhà nước không thể làm thay việc anh có tiền để đầu tư xe chạy Grab hay Uber”, ông Đông bày tỏ.

Đáng nói, phản hồi từ phía Grab cho biết, Grab hoan nghênh các lái xe của Uber gia nhập "gia đình Grab". Song, những ưu đãi cũng như chính sách mà phía Uber đang duy trì sẽ không được tiếp tục thực hiện khi lái xe tham gia Grab. Lái xe muốn tham gia Grab sẽ phải tải ứng dụng Grab, tham gia như một lái xe mới.

Đặc biệt lưu ý, những lái xe đã bị Grab block (khóa) tài khoản do vi phạm trước đây sẽ không được Grab nhận về. "Grab sẽ tuyển chọn lại các tài xế từ Uber muốn chuyển qua Grab. Bởi quy trình lựa chọn của Grab khắt khe hơn, đòi hỏi phải có sơ yếu lý lịch được xác nhận, lái xe phải qua đào tạo, thi tuyển", đại diện Grab thông tin.