Grab "cầu cứu" Chính phủ, bày tỏ lo ngại về nguy cơ xóa sổ xe hợp đồng điện tử

ANTD.VN - Đại diện Grab cho rằng, Dự thảo Nghị định 86 vừa được Bộ GTVT trình Chính phủ có phần bảo hộ taxi truyền thống để "đồng hóa", hạn chế sự cải tiến kinh doanh của loại hình khác, doanh nghiệp khác, bỏ qua những ích lợi và sự tiến bộ quan trọng đối với xã hội và nền kinh tế.

Công ty TNHH Grab vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ quan ngại về  Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh vận tải vừa được Bộ GTVT trình Chính phủ vào đầu tháng 10.

Theo đó, ông Lim Yen Hock-Giám đốc Công ty  TNHH Grab cho rằng, Grab cảm thấy hết sức bất ngờ và quan ngại với những nội dung và quy định trong Dự thảo mới nhất mà Bộ GTVT vừa trình lên Chính phủ.

Trong đó, nổi bật là quy định: “Hợp đồng vận tải điện tử chỉ áp dụng đối với xe ô tô có sức chứa từ 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) trở lên”; và định nghĩa về kinh doanh vận tải được nêu tại Dự thảo Nghị định: “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện các công đoạn của hoạt động vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.

Trong đó, có công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa; quyết định giá cước vận tải”.

Grab vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về Dự thảo Nghị định 86 mà Bộ GTVT  trình Chính phủ vào đầu tháng 10

“Điều đó có nghĩa là xe ô tô có sức chứa từ 9 chỗ trở xuống sẽ không được áp dụng hợp đồng vận tải điện tử và tất cả các đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối và giao kết hợp đồng điện tử sẽ buộc phải trở thành các đơn vị kinh doanh vận tải. Những quy định này không chỉ đi ngược lại chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ về việc ứng dụng khoa học công nghệ và cải cách thủ tục hành chính, mà còn phủ nhận hoàn toàn những lợi ích và kết quả tích cực mà Đề án thí điểm xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử đã mang lại cho người dân, doanh nghiệp và xã hội”-ông Lim Yen Hock bày tỏ.

Trong khi đó, Đề án 24 về cho phép thí điểm xe hợp đồng điện tử của Chính phủ và Bộ GTVT đã mang lại nhiều lợi ích cho xã hội cũng như quản lý Nhà nước, phù hợp với xu thế cách mạng công nghệ hiện nay.

Cụ thể, đối với quản lý Nhà nước, việc đưa ứng dụng công nghệ vào loại hình xe hợp đồng điện tử, Grab có thể cung cấp nhanh chóng và chính xác về từng giao dịch của mỗi phương tiện thuộc các đơn vị kinh doanh vận tải cho các cơ quan chức năng chuyên ngành, giúp họ nắm bắt tình hình và có các biện pháp quản lý phù hợp.

Không những vậy, còn khuyến khích các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, công nghệ thông tin cùng tham gia vào lĩnh vực này. Ông Lim Yen Hock cho rằng, điều này chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam rất nhanh nhạy, chủ động nghiên cứu tiếp cận và làm chủ các thành tựu khoa học kỹ thuật và không ngại cạnh tranh song phẳng trên thị trường. Phép thử này chỉ còn chờ câu trả lời chính thức từ phía Chính phủ.

Về phía Grab, Công ty đã có cơ hội cung cấp kết nối các dịch vụ thiết yếu hàng ngày cho 20% người dân Việt Nam mỗi tháng, và cung cấp các cơ hội nâng cao thu nhập trực tiếp cho 175.000 đối tác tài xế.

Dù là một doanh nghiệp còn non trẻ, Grab luôn nỗ lực hoàn thành các nghĩa vụ đối với Nhà nước, đặc biệt là nghĩa vụ thuế. Số thuế đóng góp tăng trưởng gấp 3 lần mỗi năm. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2018, Grab đã đóng góp 270 tỷ đồng và ước tính sẽ đóng hơn 500 tỷ đồng trong cả năm 2018. Bên cạnh đó, Grab còn chủ động hỗ trợ các đối tác trong việc kê khai và hoàn thành nghĩa vụ thuế của họ, cũng như hợp tác chặt chẽ với cơ quan thuế địa phương.

“Tuy nhiên, bản Dự thảo Nghị định mới đây nhất của Bộ GTVT lại phủ nhận hết những lợi ích cũng như thành quả mà Đề án 24 mang lại, cũng như đi ngược lại chủ trương, đường lối của Chính phủ tại các văn bản chỉ đạo trước đó”- Giám đốc Grab nhìn nhận.

Trong khi đó, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống luôn cho rằng, Grab cạnh tranh không công bằng, kiện cáo, đổ lỗi, thậm chí yêu cầu Chính phủ dừng Đề án thí điểm, “dọa” kiện Bộ GTVT liên quan đến việc mở cửa đón nhận cái mới, cái hiện đại.

Đại diện Grab cho rằng, Dự thảo Nghị định vừa được Bộ GTVT trình Chính phủ có phần bảo hộ taxi truyền thống để đồng hóa, hạn chế sự cải tiến kinh doanh của loại hình khác, doanh nghiệp khác, bỏ qua những ích lợi và sự tiến bộ quan trọng đối với xã hội và nền kinh tế, sẽ thực sự là bước lùi.

Điều này sẽ trở thành một tiền lệ xấu, cũng như là dấu hiệu tiêu cực về môi trường khởi nghiệp, môi trường đầu tư – kinh doanh của Việt Nam.

“Chúng tôi mong muốn Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam hãy công tâm xem xét, đánh giá, đặt nguyện vọng và lợi ích của người dân và của nền kinh tế Việt Nam lên hàng đầu, để đưa ra những quyết sách đúng đắn và phù hợp với thời đại.

Grab cam kết sẽ luôn sát cánh và hỗ trợ Chính phủ trong việc xây dựng một môi trường pháp lý cởi mở, thuận lợi cho doanh nghiệp, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên và với mục đích cuối cùng là phục vụ người dân và xã hội ngày một tốt hơn”- ông Lim Yen Hock bày tỏ.