Giảm thuế, áp lực đè lên ô tô nội địa

ANTD.VN - Thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN mới chỉ giảm 10% xuống còn 30% so với năm ngoái đã tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Trước tình hình đó, Chính phủ cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, đưa ra những giải pháp hỗ trợ giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất.

Áp lực do giảm thuế

Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong quý đầu năm 2017, thị trường tiêu thụ xe ô tô có sự thay đổi lớn nghiêng về phía lợi thế cho các dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc từ khu vực ASEAN. Cụ thể, tổng lượng tiêu thụ xe nhập khẩu nguyên chiếc tăng 41%, tổng lượng tiêu thụ xe lắp ráp nội địa giảm 1%, tổng lượng tiêu thụ xe toàn quý tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại buổi làm việc ngày 21/03, 27/03, 05/04 của Tổ công tác liên ngành (được thành lập theo thông cáo Chính phủ ngày 14/03) với các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành nhấn mạnh, từ đầu năm đến nay tình hình nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN tăng đột biến, điều này tạo sức ép không nhỏ đối với cách doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp xe trong nước. Thứ trưởng cũng cho biết thêm, các doanh nghiệp trong nước sẽ còn khó khăn hơn nữa sau năm 2018, khi thuế nhập khẩu chạm đáy 0%.

Đại diện VAMA cũng cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất nội địa phải đối mặt với sức ép cạnh tranh rất lớn từ xe nhập khẩu, và rất có thể rơi vào tình trạng không cạnh tranh nổi, thậm chí không thể tồn tại hoặc phải chuyển sang kinh doanh thương mại để duy trì lợi ích cho doanh nghiệp.

Theo nhận định của các chuyên gia, sở dĩ xảy ra hiện tượng trên, nguyên nhân trực tiếp là do áp dụng luật thuế mới của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ đó làm giảm giá thành cũng như tăng kỳ vọng giảm giá của người tiêu dùng. Theo đó, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các quốc gia ASEAN giảm 10% so với năm 2016, xuống còn 30%, chi phí cho mỗi chiếc xe về Việt Nam sẽ giảm từ 500-1000 USD. Các chuyên gia cũng đưa ra nhận định, nếu không có chính sách tác động của Chính phủ thì sau năm 2018, xe nhập Thái Lan sẽ rẻ hơn hẳn so với lắp ráp tại Việt Nam do Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu linh kiện 10-30%, ngay cả thuế nhập khẩu linh kiện về 0% thì việc sản xuất tại Việt Nam cũng có chi phí cao hơn sản xuất tại Thái Lan và Indonesia khoảng 20%.

Ngoài ra, một nguyên nhân nữa được chỉ ra, các doanh nghiệp trong nước không chỉ bị cạnh tranh về giá mà còn bị cạnh tranh về chất lượng. Chất lượng ô tô của Việt Nam bị người tiêu dùng đánh giá không cao bằng chất lượng xe nhập khẩu nên người dân chọn mua xe ngoại cũng là điều dễ hiểu.

Đưa ra giải pháp

Chiều ngày 28/2/2017, các doanh nghiệp sản xuất trong nước tham dự buổi tọa đàm Phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức nhằm đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nội địa. Phát biểu trong buổi tọa đàm, Bộ Công Thương cam kết sẽ cùng các doanh nghiệp vượt khó, đồng thời đưa ra ba nhóm giải pháp bao gồm: thứ nhất, tạo dựng thị trường thông qua khuyến khích tiêu dùng và sản xuất ô tô trong nước. Thứ hai, hỗ trợ nhà sản xuất qua việc ban hành các tiêu chuẩn về linh kiện, phụ tùng và thứ ba là thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ.

Tiếp đó, theo thông cáo của Văn phòng Chính phủ ngày 14/03, Tổ công tác liên ngành được thành lập với nhiệm vụ trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp trong nước, nhằm đánh giá toàn diện thị trường ô tô Việt Nam, từ đó đưa ra những giải pháp bổ sung và nâng cao hiệu quả của những giải pháp đã đề ra, đảm bảo cho nền công nghiệp ô tô phát triển trong tương lai tới.

Xuyên suốt quá trình làm việc, cũng như tại buổi gặp gỡ ngày 18/04 với ông Mark Kaufman - Chủ  tịch Ford Khu vực Đông Nam Á, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải một lần nữa khẳng định, Chính phủ luôn nhất quán trong chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô cũng như trong mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa; Bộ Công Thương sẽ luôn giữ ổn định thị trường, đảm bảo cạnh tranh để các doanh nghiệp trong nước yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu cần xem xét nhiều vấn đề, đơn cử như chính sách thuế, đơn giản hóa các thủ tục hải quan, thủ tục kiểm định xe đưa vào lưu thông, hay cả vấn đề nâng cao năng suất lao động.