Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ:

Giám đốc hay công nhân vi phạm đều xử lý như nhau

ANTĐ - Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 171/NĐ-CP và 107/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đề xuất tăng nặng mức xử phạt đối với một số hành vi uy hiếp trực tiếp đến ATGT. Liên quan đến vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết:
Giám đốc hay công nhân vi phạm đều xử lý như nhau ảnh 1

Hành vi chở quá tải trọng quy định từ 150% trở lên sẽ bị xử phạt rất nặng (ảnh minh hoạ)

- Ủy ban ATGT Quốc gia hoàn toàn ủng hộ việc tăng nặng mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi trực tiếp uy hiếp đến TNGT. Điều này xuất phát từ thực tiễn cũng như đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia. Chế tài xử lý đề xuất lần này tập trung vào một số hành vi như vi phạm nồng độ cồn ở mức cao, từ 80mg/100ml máu trở lên hay hành vi chở quá tải trọng quy định từ 150% trở lên hoặc đi xe máy vào đường cao tốc… 

Dự thảo nghị định lần này đã được lấy ý kiến của các chuyên gia, bộ, ngành. Những người, đơn vị tham gia xây dựng dự thảo đều nhất trí rằng, với những hành vi uy hiếp trực tiếp tới TNGT, cần tăng nặng chế tài. Tuy nhiên, đối với một số vi phạm không uy hiếp trực tiếp đến ATGT, trong tuyên truyền, tổ chức giao thông có thể khắc phục được thì chúng ta lại điều chỉnh giảm mức xử phạt. 

Giám đốc hay công nhân vi phạm đều xử lý như nhau ảnh 2

ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia

- PV: Dự thảo Nghị định lần này cũng sẽ xử phạt  một số hành vi mà Luật Giao thông đường bộ không quy định?

- ông Khuất Việt Hùng: Đó là một số hành vi chưa được quy định trong Luật Giao thông đường bộ Việt Nam nhưng trong Công ước Viên mà Việt Nam tham gia, các quốc gia công nhận Công ước này đều áp dụng chế tài xử phạt, như vừa lái ô tô vừa sử dụng điện thoại di động; những người ngồi trên xe ô tô có trang bị dây an toàn nhưng không thắt; hay khi điều khiển phương tiện chỉ mang GPLX quốc tế (không do Việt Nam cấp) mà không mang theo GPLX quốc gia… 

- Không những người điều khiển phương tiện bị xử phạt mà cơ quan quản lý Nhà nước duy trì ATGT, kết cấu hạ tầng nếu vi phạm cũng sẽ bị xem xét xử lý?

- Pháp luật phải đảm bảo tính công bằng và nghiêm minh. Những đơn vị, cơ quan quản lý Nhà nước được giao trách nhiệm duy trì kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo ATGT nếu có dấu hiệu vi phạm cũng sẽ bị xử lý. Nếu điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng không tốt cũng là nguyên nhân dẫn đến TNGT như hành vi cắm biển báo sai, kết nối đường không đúng vị trí, không đảm bảo chất lượng mặt đường trong bảo trì, duy tu… Cơ quan quản lý Nhà nước được giao nhiệm vụ nếu có hành vi vi phạm, không làm tròn trách nhiệm của mình để dẫn đến TNGT cũng sẽ bị xử lý.

- Liệu chỉ tăng nặng mức xử phạt có đảm bảo luật pháp được thi hành nghiêm?

- Trong nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT đã đưa ra 6 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, ngoài hoàn thiện thể chế, chính sách thì phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người tham gia giao thông. Nếu luật đưa ra chế tài xử phạt vi phạm nhưng người dân không biết đến thì luật không hiệu quả, không có tác dụng. Các cấp, ngành và chính quyền địa phương phải tuyên truyền sâu rộng tới từng người dân, để mỗi người dân khi tham gia giao thông đều nhận thức rõ được, nếu mình vi phạm hành vi này thì sẽ bị xử phạt như thế nào.

Bên cạnh đó, phải kể đến trách nhiệm của người thực thi công vụ. Người thực thi công vụ phải làm gương, tuân thủ quy định cũng như xử phạt nghiêm minh, đúng người đúng hành vi vi phạm, đưa luật đi sâu vào đời sống. Chỉ khi đó mới có thể kéo giảm được TNGT, nếu không đường sá có tốt lên, xe tốt mà việc tuần tra kiểm soát không nghiêm thì chúng ta chỉ làm được phần ngọn.

- Có thông tin cho biết, một số quốc gia có áp dụng xử phạt vi phạm giao thông theo mức thu nhập, quan điểm của Ủy ban ATGT Quốc gia về việc này?

- Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Cùng một hành vi vi phạm giao thông thì mức xử phạt mỗi người phải chịu là như nhau, dù thu nhập cao hay thấp, dù là giám đốc doanh nghiệp lớn cũng như người lao động bình thường. Cũng như trước luật pháp, mọi công dân đều phải chấp hành như nhau, đảm bảo tính nghiêm minh, từ các cháu học sinh đến những người điều khiển mô tô, ô tô đều phải tuân thủ quy định của pháp luật.

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương:Tăng chế tài xử phạt là đúng

“Tôi hoàn toàn đồng tình đề xuất tăng mạnh chế tài xử phạt so với hiện nay. Không có lý gì để không quy định mức xử phạt thật nặng, thật nghiêm, trong khung hình phạt cho phép. Chỉ có xử phạt thật nặng và chừng nào tất cả các vi phạm đều bị xử phạt nghiêm thì chừng đó người dân mới thấy xót xa và không dám vi phạm nữa. Hiện nay, tôi thấy không chỉ mức xử phạt còn nhẹ mà ngay cả số người vi phạm bị xử lý cũng chưa được 100%, vì thế, một bộ phận người tham gia giao thông vẫn còn coi thường pháp luật. 

Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng tăng mức phạt vi phạm giao thông phải cân nhắc tới mức sống hay thu nhập của người dân. Theo tôi, mọi đối tượng vi phạm đều phải được xử phạt như nhau, bởi khi xử phạt không thể xem anh giàu hay nghèo, trong ví có bao nhiêu tiền để cân nhắc đưa ra mức xử phạt. Giả sử anh có nghèo thật thì vi phạm ở mức nào vẫn phải xử phạt ở mức đó mới đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Các nước họ đều làm vậy. Tôi lấy ví dụ ở Canada, một người dân thu nhập 800 USD/ tháng là có thể đảm bảo được cuộc sống nhưng chỉ cần một lỗi vi phạm vứt rác ra đường, họ sẽ xử phạt tới 2.500 USD nên chẳng ai dám vi phạm.  

Mặt khác, cần hiểu rằng, tăng mức xử phạt vi phạm giao thông chỉ là một trong những giải pháp quan trọng, còn muốn giảm thiểu được tình trạng vi phạm an toàn giao thông đang diễn ra phổ biến hiện nay, đòi hỏi phải đồng bộ nhiều giải pháp khác. Trước hết là công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến người dân. Quan trọng nữa là các cơ quan, người thực thi pháp luật phải vào cuộc tích cực, khách quan và minh bạch”.