Giấc mơ giá ô tô giảm mạnh khó thành hiện thực

ANTD.VN - Năm 2018 là thời điểm hàng loạt các chính sách thuế mới liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh ô tô có hiệu lực với kỳ vọng giá xe ô tô tại Việt Nam sẽ giảm mạnh. Tuy nhiên, diễn biến những ngày đầu năm cho thấy dường như kỳ vọng này đang khó trở thành hiện thực.

Cơ hội giảm giá xe do xe sử dụng linh kiện trong nước khó trở thành hiện thực

Thuế giảm, giá xe lại tăng

Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổng doanh số bán hàng của Hiệp hội trong năm 2017 đạt 272.705 xe, giảm 10% so với năm 2016. Con số này so với dự đoán đầu năm (dự đoán tăng 10%) có sự chênh lệch rất lớn mà lý do chính của sự sụt giảm này là tâm lý chờ đợi của khách hàng vào những chính sách thuế mới có hiệu lực từ đầu năm 2018. Theo đó, những con số định lượng như: Thuế nhập xe từ ASEAN từ 30% về 0%; Thuế TTĐB đối với xe dưới dung tích 2.0L sẽ giảm từ 45% xuống 40%, xe dung tích dưới 1.5L còn 35%... đã khiến niềm tin vào giá xe giảm mạnh hơn bao giờ hết. 

Để thu hút khách hàng, nửa cuối năm 2017, các hãng phải triệt để tận dụng các biện pháp khuyến mại, giảm giá. Không chỉ giảm vài chục triệu đồng mà có những mẫu xe giảm tới vài trăm triệu đồng. Kể cả những hãng xe kiên định về giá nhất như Toyota cũng buộc phải nhập cuộc để đẩy doanh số.

Nhờ vậy, doanh số bán ô tô trong tháng 11 và 12-2017 có cải thiện, nhưng chính các chính sách giảm giá khủng của hãng xe lại cũng khiến khách hàng cảm thấy băn khoăn có nên xuống tiền mua xe thời điểm này hay không. Chưa bao giờ người tiêu dùng cảm nhận xe mất giá nhanh như năm 2017 khi mua một chiếc xe chỉ cách nhau vài ngày đã bị xuống giá tới hàng trăm triệu đồng. Chỉ trong vòng 1 tháng, có mẫu xe điều chỉnh giá bán tới 2 lần. 

Tất cả những diễn biến này đã tạo nên sức nén của nhu cầu mua xe để chờ đợi thời điểm năm 2018. Tuy nhiên, khảo sát của phóng viên những ngày đầu năm 2018 lại cho thấy giá xe ô tô trên thị trường không hề giảm như kỳ vọng của khách hàng.

“Nghị định 116 của Chính phủ quy định rất ngặt nghèo về nhập khẩu ô tô, như yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại hoặc phải thử nghiệm từng lô. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp tốn thêm rất nhiều thời gian, chi phí, thậm chí không thể nhập xe. VAMA và một số đơn vị đã có kiến nghị bỏ một số điều khoản, nhưng hiện vẫn chưa có bất kỳ thông tư nào hướng dẫn nghị định này, khiến các doanh nghiệp không dám nhập xe về. Chưa có lô xe nhập khẩu nào về được từ đầu năm 2018 vì chưa thể cung cấp các loại giấy tờ như vậy”.

Ông Nguyễn Tuấn (Giám đốc Công ty Thiên Phúc An)

Sau khi chương trình khuyến mại tháng 12-2017 kết thúc, Hãng Toyota đã lập tức tăng giá trở lại một số mẫu xe như: Toyota Vios, Toyota Corolla Altis, Toyota Camry, Toyota Innova với mức tăng từ 10-40 triệu đồng. Cụ thể, mẫu xe Toyota Vios hiện nay có giá thực tế dao động từ  503-576 triệu đồng, tăng 10-15 triệu đồng so với cuối năm 2017. Mẫu Corolla Altis dao động từ 668-895 triệu đồng, tăng 20-25 triệu đồng so với tháng 12-2017...

Không chỉ Toyota, Hãng Honda cũng công bố giá bán các mẫu xe mới khiến nhiều người hụt hẫng. Cụ thể, Honda CR-V phiên bản cao cấp nhất có giá lên tới 1,256 tỷ đồng, cao hơn dự kiến tới hơn 150 triệu đồng. Mẫu Mazda CX-5 mới do THACO lắp ráp trong tháng 1 này cũng được tăng giá nhẹ so với năm 2017. Hay Ford Ranger cũng trở về mức giá 660-870 triệu đồng thay vì được khuyến mại như cuối năm 2017.

Xe nội không được ưu đãi, xe ngoại chưa về được

Lý giải cho diễn biến lạ này, Trưởng phòng kinh doanh một showroom ô tô tại Hà Nội cho biết, đối với các mẫu xe nhập khẩu từ ASEAN vốn được kỳ vọng giảm giá mạnh nhất nhưng hiện tất cả xe phân phối trên thị trường đều là xe làm thủ tục nhập khẩu, thông quan trước ngày 1-1-2018. Vì vậy, các loại xe này vẫn phải chịu mức thuế nhập khẩu cũ ở mức 30% chưa được hưởng thuế 0% như quy định mới có hiệu lực.

“Để đảm bảo nguồn cung dịp Tết Nguyên đán, chúng tôi đều phải lên kế hoạch nhập khẩu và thông quan trước năm 2018, vì vậy toàn bộ xe bán trên thị trường thời điểm này là xe không được ưu đãi thuế 0%”, anh này cho biết. Trong khi đó, với các dòng xe lắp ráp trong nước hoặc nhập khẩu từ các thị trường khác thì những model cũ đa phần đã giảm xuống “đáy” từ thời điểm cuối năm 2017.

Những model mới cho ra đời với tính năng ưu việt hơn hẳn các model cũ nên các hãng đều tăng giá mạnh chứ không còn giá rẻ. “Thời điểm gần Tết Nguyên đán, nhu cầu mua xe đã bị “dồn nén” suốt năm qua, cộng với thời tiết lạnh  khiến khách tìm mua xe tăng mạnh. Những mẫu xe được giảm giá, khuyến mại đang dần khan hiếm nên nhiều showroom cũng đẩy giá lên cao hơn”, đại diện bán hàng này cho biết.

Nhìn về lâu dài, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Phúc An cho rằng hiện đang có 2 rào cản lớn cản trở xe giá rẻ tại thị trường Việt Nam, bao gồm cả xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu. Trong đó, Nghị định 116 của Chính phủ đang là rào cản kỹ thuật rất lớn đối với xe nhập khẩu.

“Nghị định 116 của Chính phủ quy định rất ngặt nghèo về nhập khẩu ô tô, như yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại hoặc phải thử nghiệm từng lô. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp tốn thêm rất nhiều thời gian, chi phí, thậm chí không thể nhập xe. VAMA và một số đơn vị đã có kiến nghị bỏ một số điều khoản, nhưng hiện vẫn chưa có bất kỳ thông tư nào hướng dẫn nghị định này, khiến các doanh nghiệp không dám nhập xe về. Chưa có lô xe nhập khẩu nào về được từ đầu năm 2018 vì chưa thể cung cấp các loại giấy tờ như vậy”, ông Nguyễn Tuấn cho biết.

Theo ông Nguyễn Tuấn, nếu không sớm có hướng dẫn cụ thể thì thậm chí xe ô tô nhập khẩu từ một số thị trường còn không thể vào được Việt Nam dẫn đến tình trạng khan hiếm, đẩy giá xe lên cao. “Nếu nhập ở các nước châu Âu, tay lái thuận thì cơ quan quản lý nước đó sẽ cấp được giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại. Còn nếu các xe nhập từ các nước có tay lái nghịch như Thái Lan hay Indonesia thì cơ quan quản lý của họ chỉ cấp cho hàng tiêu thụ trong nước, còn với hàng xuất khẩu thì không cấp được”, ông Nguyễn Tuấn nói. Đối với xe lắp ráp trong nước, việc Bộ Tài chính vừa bác đề xuất miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với linh phụ kiện sản xuất trong nước được cho là đã “dập tắt” hy vọng sản xuất xe giá rẻ trong nước.

Trước đó vào tháng 6-2017, Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Tài chính thay đổi giá tính thuế đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo đó, không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước (linh kiện, phụ tùng) nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước, khuyến khích các hãng xe nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng được sản xuất trong nước.

Phản hồi đề xuất này, Bộ Tài chính cho rằng điều này chưa phù hợp với các Quy tắc đối xử quốc gia NT tại Hiệp định GATT. Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành, nghĩa là sẽ không có ưu đãi cho xe sản xuất trong nước sử dụng linh kiện làm ra trong nước. Vì vậy, cơ hội giảm giá xe do xe sử dụng linh kiện trong nước khó trở thành hiện thực.

Theo các chuyên gia, việc bác bỏ đề xuất giảm và miễn thuế tiêu thụ đặc biệt có thể không tác động ngay đến giá, vì đây chỉ là đề xuất. Tuy nhiên, rõ ràng niềm tin vào ô tô giá rẻ đang bị “dội gáo nước lạnh”.