Gia tăng TNGT nghiêm trọng: Có lỗi của cơ quan quản lý

ANTĐ - Mặc dù nhiều biện pháp cấp bách đã được triển khai, nhưng TNGT nghiêm trọng vẫn diễn ra, số người chết vẫn gia tăng. Lỗi do ý thức của người tham gia giao thông, chất lượng phương tiện, đường sá hay do cơ quan Nhà nước trong vấn đề quản lý?

TNGT diễn biến phức tạp có một phần nguyên nhân từ sự quản lý vận tải lỏng lẻo

Tốc độ tăng 5%, tai nạn chết người tăng 20%

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong 6 tháng đầu năm, số vụ TNGT có giảm nhưng số người chết vì TNGT lại gia tăng, nhất là các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Qua phân tích các vụ tai nạn cho thấy, tốc độ là nguyên nhân hàng đầu gây TNGT ở Việt Nam. Theo tính toán của các chuyên gia giao thông, khi tăng tốc độ trung bình 5% thì TNGT tăng 10% và tai nạn chết người tăng 20%. 

Còn theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, ngoài việc người điều khiển phương tiện không làm chủ tốc độ, doanh nghiệp (DN) vận tải không chấp hành các quy định trong giấy phép đăng ký, dẫn đến các lái xe bất chấp tốc độ, sức khỏe không đảm bảo, lái ban đêm gây ra tai nạn... thì cũng phải thấy trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước là rất lớn. Ví dụ, việc cấp phép cho DN vận tải chưa đủ điều kiện; việc thanh tra, kiểm tra hoạt động của các DN vận tải nhất là tại địa phương chưa thường xuyên, liên tục... dẫn đến hiện tượng có đơn vị kinh doanh vận tải chỉ có thương hiệu và cho xe bên ngoài vào kinh doanh. 

Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử phạt gần 3 triệu trường hợp vi phạm, thu và nộp ngân sách Nhà nước khoảng 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, TNGT vẫn chưa thuyên giảm, theo Đại tá Trần Sơn Hà, Phó cục trưởng Cục CSGT đường sắt, đường bộ, cho dù đã tuyên truyền nhiều, dày đặc; báo chí, truyền thông tốn nhiều giấy mực, nhưng chuyển biến về nhận thức rất chậm. 

Không biết chữ, cụt chân vẫn có bằng lái xe

Để giảm thiểu tai nạn mà nguyên nhân xuất phát từ việc DN “ép” lái xe chạy theo doanh thu, Đại tá Trần Sơn Hà cho rằng: Nhiều năm nay chúng ta đã buông lỏng, dẫn đến tình trạng DN khoán trắng cho lái xe, nên tai nạn luôn xảy ra, do đó, tới đây phải siết chặt lại. Kinh doanh vận tải hành khách ở nước ta đã có một số DN hoạt động tốt, song bên cạnh đó, còn một số HTX hoạt động manh mún, để lái xe nghiện hút cầm lái trên đường. Có lái xe vi phạm hàng trăm lần/tháng, vậy tuyên truyền liệu có hiệu quả? Chỉ có cách siết chặt từ phía DN, mới mong tác động đến lái xe. Mà muốn siết DN, siết chặt việc cấp phép, thì phải nâng cao tinh thần trách nhiệm của đơn vị thực thi công vụ như Sở GTVT các địa phương.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân góp phần gia tăng TNGT là tình trạng cấp giấy phép lái xe còn lỏng lẻo, nhiều lỗ hổng khiến chất lượng lái xe kém, không xử lý được các tình huống phát sinh trên đường. Dẫn chứng, Đại tá Trần Sơn Hà cho hay, trong quá trình điều tra các vụ TNGT, không ít trường hợp không đủ tiêu chuẩn nhưng lái xe vẫn có bằng. Điển hình như có trường hợp lái xe không biết chữ nhưng vẫn có giấy phép lái xe, hay có trường hợp, bị cụt một chân nhưng vẫn có bằng và vẫn điểu khiển xe… Nhìn nhận về thực trạng này, ông Nguyễn Hồng Trường lý giải: “Chúng ta có thể gặp những trường hợp như vậy, nhưng xét về mặt ý thức thì con số đó không lớn, đây chỉ là một vài trường hợp hy hữu, cố tình tìm mọi cách để có giấy phép, sau đó gây tai nạn. Tuy vậy, chúng ta không thể lấy những trường hợp này để đánh giá tổng thể. Thực tế, chúng ta thực hiện rất đồng bộ và rất tốt”.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường,  qua kiểm tra, Bộ GTVT đã phát hiện nhiều vấn đề cần chỉnh sửa, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, thậm chí trách nhiệm thi hành công vụ của các Sở GTVT: “Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tập trung khắc phục những lỗ hổng trong quản lý, xác lập lại trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Tôi tin là tai nạn sẽ giảm”.

Đơn vị thi công phải có trách nhiệm nếu tai nạn do đường

“Trong vấn đề lưu thông trên đường, để xảy ra tai nạn có nhiều yếu tố: người lái, xe, không loại trừ cả yếu tố về đường. Đối với yếu tố về đường, trong những năm qua, Chính phủ cũng như các ngành, các cấp, các địa phương, Bộ GTVT đã tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng đường bộ lên đáng kể. Đặc biệt, từ năm 2013, chúng ta thực hiện quỹ bảo trì đường bộ, đã tập trung đầu tư cho những đoạn đường kém chất lượng để nhân dân đi lại an toàn hơn. Tuy nhiên, nếu TNGT có liên quan đến chất lượng đường sá thì đơn vị thi công cũng phải chịu trách nhiệm một phần”, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.