Gia tăng sự cố hàng không vì quản lý kém

ANTĐ - Năm 2014 được đánh giá là năm tồi tệ của ngành hàng không Việt Nam với liên tiếp các sự cố xảy ra, trong đó, sự cố mất điện Trạm không lưu Tân Sơn Nhất là đặc biệt nghiêm trọng. Nếu không  nhìn nhận sự việc một cách cầu thị và nghiêm khắc chấn chỉnh,  ngành hàng không sẽ khó lấy lại được hình ảnh của mình.

Gia tăng sự cố hàng không vì quản lý kém ảnh 1Năm 2014 là năm xảy ra nhiều sự cố hy hữu của ngành hàng không

Sự cố hàng không tăng vọt 

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, năm 2014, ngành hàng không đã xảy ra 311 sự cố với nhiều mức độ, tăng 129 vụ so với năm 2013 (tăng 177%). Trong đó, nguyên nhân do hỏng hóc kỹ thuật năm 2014 lên tới 143 vụ (năm 2013 có 83 vụ), do hành khách 27 vụ (năm 2013 là 3 vụ). Cũng trong năm nay, Cục Hàng không Việt Nam đã đưa vào danh sách cấm bay 7 trường hợp, phát hiện 158 vụ hành khách mang vũ khí, công cụ, vật phẩm nguy hiểm và 13 vụ cung cấp sai thông tin về bom và vật liệu nổ. Cùng với đó, số vụ mất cắp hành lý vẫn còn 60 vụ. Tỷ lệ chậm hủy chuyến của các hãng hàng không Việt Nam là 19,3%, xấp xỉ năm 2013. Riêng 6 tháng cuối năm, sau rất nhiều nỗ lực, tỷ lệ chậm hủy chuyến là 14,4%, giảm 9,4 điểm so với 6 tháng đầu năm và giảm 8,6 điểm so với năm 2013. 

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không cho biết, việc bị chậm hủy chuyến nhiều do mạng đường bay, tần suất các chuyến bay tăng, trong khi cơ sở vật chất phục vụ còn hạn chế. Cùng với việc phát triển hàng không giá rẻ, hành khách cũng đa dạng hơn, trong đó có nhiều người đi tàu bay thiếu hiểu biết về an ninh, an toàn hàng không nên đã có những hành vi vi phạm vô ý. Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho rằng, những vấn đề về an toàn, an ninh hàng không chủ yếu do con người, không thể đổ lỗi tại hạ tầng. 

Thay thế lãnh đạo kém năng lực

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thẳng thắn: “Chúng ta đã có những kỷ lục không ai muốn giữ. Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta đã để mất điện, không kiểm soát được không lưu. Tỷ lệ chậm hủy chuyến tăng bất thường. Máy bay hạ cánh nhầm, máy bay suýt đâm nhau. Chất lượng, giá cả dịch vụ thường xuyên bị phàn nàn… Ngành hàng không năm vừa rồi bị người dân kêu ca quá nhiều, đánh mất hình ảnh của chính mình, ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia”. 

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, để xóa bỏ được những điểm tối này, ngành hàng không phải thay đổi tư duy, làm rõ vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Cục Hàng không Việt Nam, vai trò Cảng vụ hàng không ở đâu; Phải nhìn trực diện yếu kém để có giải pháp trúng và đúng. 

Hiện nay, nhân sự của ngành hàng không được nhận định là còn yếu. Để khắc phục thực trạng này, Bộ trưởng   Đinh La Thăng yêu cầu, Cục Hàng không cần đánh giá lại toàn bộ chất lượng nguồn nhân lực. “Cần thành lập Hội đồng đánh giá lại toàn bộ chất lượng nguồn nhân lực hàng không, từ Cục trưởng, Cục phó Cục Hàng không trở xuống. Từ đó, phải có chính sách đào tạo, xây dựng, thu hút nhân lực chất lượng vào làm việc trong ngành”.

Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam phải tập trung nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu, đặc biệt là vai trò kiểm tra, giám sát. “Phải đưa ra những mục tiêu rất cụ thể. Chậm hủy chuyến giải quyết như thế nào, giảm sự cố an toàn ra sao? Giá cả dịch vụ có kiểm soát được không? Cùng với đó là các giải pháp kèm theo để tổ chức thực hiện. Ai không làm được dứt khoát phải thay thế” – Bộ trưởng Đinh La Thăng nói. 

Một số sự cố hàng không nghiêm trọng năm 2014

Sân bay Tân Sơn Nhất tê liệt vì mất điện Trạm không lưu trong khoảng 30 phút. Vụ việc được coi là lần đầu tiên xảy ra ở Việt Nam. Nguyên nhân được cho là do kíp trưởng thao tác sai quy định, khiến sập nguồn điện gây mất điện cung cấp cho hệ thống không lưu.

Kiểm soát viên không lưu tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng ngày 27-6 đã cấp sai huấn lệnh, gây nên sự cố nghiêm trọng. Ngày 29-10, một trực thăng quân sự đã cắt ngang đầu chuyến bay của Vietnam Airlines. Nguyên nhân được cho là do kiểm soát viên canh nghe mắc lỗi.

Máy bay báo nhầm “không tặc”: Tối 16-12, máy bay Vietnam Airlines từ TP. HCM đi Vinh đã phải đổi hướng đến  sân bay Nội Bài do áp suất trong khoang giảm đột ngột, máy bay đột ngột giảm độ cao. Nguyên nhân ban đầu được cho là phi công nhầm lệnh code sang mã không tặc.

Hạ cánh nhầm sân bay: Đây được coi là sự cố hy hữu, lần đầu xảy ra ở Việt Nam. Một chuyến bay của Vietjet Air thay vì đưa khách đến Đà Lạt đã đưa nhầm tới sân bay Cam Ranh.