Đường sắt quyết giành khách với hàng không trên "cự ly vàng"

ANTD.VN - Tụt hậu so với đường bộ và hàng không, đường sắt Việt Nam cả năm 2016 chỉ đạt lợi nhuận sau thuế 137 tỷ đồng. Năm 2017, đường sắt rót 1.600 tỷ đồng cho chặng Hà Nội - Vinh để quyết giành lại khách.

VNR sẽ chi khoảng 1.600 tỷ đồng cho việc cải tạo hệ thống hạ tầng; mua sắm đầu máy, toa xe hiện đại

Đến hết quý I-2017, hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh quan trọng liên quan đến vận tải hàng hóa và hành khách của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đều không đạt kế hoạch đề ra. Trong đó, sản lượng khách đi tàu là 2,43 triệu lượt, bằng 87% kế hoạch và bằng 89,2% cùng kỳ năm ngoái; sản lượng vận tải hàng hóa đạt 1,3 triệu tấn, bằng 94,9% kế hoạch và bằng 98,8% cùng kỳ năm ngoái.

“Mạnh tay” đầu tư

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vừa trình Bộ GTVT Đề án các giải pháp nâng cao khả năng khai thác vận tải đường sắt tuyến Hà Nội - Vinh. Mục tiêu chính là cải cách cách thức vận hành cũng như cải thiện cơ sở hạ tầng, tập trung tháo gỡ những vướng mắc chính đang làm cho vận tải đường sắt ngày càng thất thế so với các hệ thống vận tải cạnh tranh.

Theo lộ trình thực hiện Đề án này, đến năm 2020, tuyến vận tải dài 319km với 36 ga sẽ phục vụ thêm khoảng 800.000 lượt khách/năm và 2,3 triệu tấn. Trong khi đó, số liệu báo cáo của VNR cho thấy, trong năm 2016, sản lượng vận tải hành khách chỉ còn khoảng 1,83 triệu lượt khách/năm, giảm gần 0,5 triệu lượt so với năm 2011. Sản lượng vận tải hàng hóa còn 2,38 triệu tấn, giảm 1,1 triệu tấn so với 4 năm trước.

“Ngành Đường sắt đã đề xuất với Chính phủ gói 7.000 tỷ đồng trong trung hạn 2017-2020 nhằm nâng cao năng lực khai thác vận tải trên toàn tuyến, nâng năng lực khai thác từ 12 toa tàu hàng lên 25 toa/ ngày-đêm”.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam

Được biết, VNR sẽ chi khoảng 1.600 tỷ đồng cho việc cải tạo hệ thống hạ tầng; mua sắm đầu máy, toa xe hiện đại: tăng từ 19 đôi lên 25 đôi tàu. Ngoài ra, VNR cũng sẽ dành 109 tỷ đồng để nâng cao tiện nghi tại các ga đầu mối lớn như Vinh, Nam Định, Phủ Lý, Thanh Hóa. Đặc biệt, theo lãnh đạo VNR, Tổng Công ty sẽ tập trung đa dạng hóa dịch vụ, áp dụng mô hình mà các hãng hàng không đã làm là áp dụng dải giá vé, lập biểu đồ chạy tàu mới.

Thay vì chỉ bán vé tàu Hà Nội - Vinh, đường sắt sẽ bán vé Hà Nội - Cửa Lò và bố trí giờ tàu phù hợp để khi hành khách xuống Vinh thì có ngay xe đưa đến Cửa Lò vào thời điểm có thể nhận phòng khách sạn được luôn. VNR đang tính toán, sẽ ưu tiên tàu đẹp, giờ đẹp cho các tuyến có cự ly trung bình để tăng khả năng cạnh tranh. Với các tuyến cự ly dài, VNR sẽ bố trí toa đẹp, toa VIP. Tại các nhà ga lớn, sẽ nghiên cứu xây dựng phòng cho khách VIP.

Chất lượng phải đi đôi với thời gian

Ngoài việc nâng cấp hiện đại tuyến đường sắt Bắc - Nam chặng Hà Nội - Vinh, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV VNR cho biết, ngành Đường sắt đã đề xuất với Chính phủ gói 7.000 tỷ đồng trong trung hạn 2017-2020 nhằm nâng cao năng lực khai thác vận tải trên toàn tuyến, nâng năng lực khai thác từ 12 toa tàu hàng lên 25 toa/ngày-đêm. “Nguồn vốn này sẽ tập trung nâng tải trọng đồng đều trên toàn hệ thống, cải tạo cầu yếu, hầm yếu, các cung đường yếu, kéo dài đường ray trong ga”, ông Vũ Anh Minh thông tin.

Theo một chuyên gia giao thông, để đường sắt thực sự lấy lại “phong độ” thì ngoài chất lượng dịch vụ được cải thiện, thời gian chạy tàu cũng là bài toán cần tính đến. Với chặng Hà Nội - Vinh, thời gian bay chỉ khoảng 40 phút, cộng với thời gian ra sân bay, làm thủ tục tại sân bay, chờ đợi… tất cả khoảng 3 tiếng.

Đường bộ hiện đi xe khách giường nằm, khá thuận tiện cũng mất khoảng 5-6 tiếng. Trong khi đó, thời gian di chuyển bằng tàu hỏa mất khoảng 5 tiếng chạy tàu và phần lớn thời gian đến Vinh vào lúc sáng sớm gây khó khăn, bất tiện cho hành khách. Bởi vậy, đây là một trong những lý do khiến người dân lựa chọn đường bộ và hàng không thay vì đi tàu dù tính an toàn cao. 

Muốn nâng tốc độ chạy tàu, VNR buộc phải nâng cấp khổ đường sắt 1m hiện nay sang khổ đôi 1,435m. Nghiên cứu cho thấy, với khổ đường ray 1m hiện nay của Việt Nam đang dùng chỉ cho phép tàu chạy với tốc độ tối đa 90 - 120km/h (thực tế hiện tại chỉ chạy được với vận tốc trung bình 50 - 60km/h). Trong khi đó, với khổ tiêu chuẩn 1,435m, tàu có thể đạt được vận tốc lên tới 350 km/h, trung bình khoảng từ 150 - 200km/h.

Hiện nay, trên thế giới chỉ còn rất ít quốc gia dùng khổ đường ray 1m, trong đó có Việt Nam. Nếu tuyến đường sắt Hà Nội - Vinh được chuyển sang dùng khổ 1,435m, thời gian đi giữa Hà Nội - Vinh sẽ chỉ còn dưới 2 giờ, lợi ích kinh tế từ việc tiết kiệm thời gian đi lại trong vận chuyển hành khách sẽ tăng rất đáng kể, cùng với việc nâng cao chất lượng dịch vụ thì chuyện “giành” lại khách từ đường bộ, hàng không trên những “cự ly vàng” truyền thống trước đây không phải là viễn cảnh.