Đường sắt bất lực trước 4.000 nút giao tử thần

ANTĐ - Ngành đường sắt cho hay, việc xóa bỏ gần 6.000 đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt - điểm đen giao thông là điều khó có thể làm được. Trong khi đó, tai nạn giao thông đường sắt đang gia tăng kể từ đầu năm 2015 đến nay.

Đường sắt bất lực trước 4.000 nút giao tử thần  ảnh 1Chiếc ô tô đỗ sát đường ray khiến đoàn tàu phải dừng lại
(Ảnh chụp trước số nhà 84 Ngọc Hồi sáng 7-4)

Đường sắt quốc gia như đường làng

Dọc tuyến đường sắt đi qua địa bàn Hà Nội, rất dễ bắt gặp cảnh nhà cửa nằm sát đường tàu, người dân kinh doanh buôn bán, sinh hoạt hàng ngày cạnh đường ray, đường ngang dân sinh giao cắt đường sắt mà không có cảnh báo. Người dân sinh sống hai bên đường tàu ý thức về an toàn giao thông còn thấp, thậm chí tự ý mở lối đi dân sinh để băng qua đường  sắt cho… tiện. 

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho hay, toàn quốc hiện có 5.751 đường ngang, giao cắt đường sắt, trong đó chỉ 1.516 đường ngang hợp pháp, còn lại là đường dân sinh tự mở, không biển báo, không rào chắn. Bình quân, cứ 2km đường sắt chính tuyến có 1 đường ngang. Thậm chí, 86% trong số hơn 1.500 đường ngang hợp pháp được đánh giá là không đủ điều kiện an toàn như tầm nhìn hạn chế, độ dốc và góc giao cắt của đường bộ qua đường sắt vượt quá quy định theo tiêu chuẩn. Trang thiết bị tại các đường ngang có gác lạc hậu, phòng vệ đường ngang chủ yếu dùng nhân công. Do kinh phí hạn hẹp nên việc đầu tư các đường ngang có lắp thiết bị tự động đóng chắn và cảnh báo tự động là rất hạn chế. Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc VNR cho hay, ngành đường sắt đã cố gắng nhưng vẫn không thể ngăn chặn được việc người dân tự tháo dỡ rào chắn để làm lối đi.

TNGT đường sắt trong quý I-2015 đang gia tăng phức tạp, tăng ở cả 3 tiêu chí, số vụ tai nạn, số người chết và số ngươi bị thương, so với cùng kỳ. Cụ thể, đã xảy ra 116 vụ tai nạn, tăng 30 vụ; 53 người chết, tăng 14 người; 63 người bị thương, tăng 10 người. Nguyên nhân chủ yếu do người dân, các phương tiện đường bộ (xe máy, ô tô) đi ngang qua đường sắt không chú ý quan sát dẫn đến tai nạn. Đặc biệt, đã có 47 vụ ô tô đâm vào đoàn tàu, trong đó 14 vụ có người chết và bị thương. Trong các tuyến đường sắt thì tuyến Hà Nội - TP.HCM có số vụ tai nạn cao nhất, chiếm 80%; tuyến Hà Nội - Lào Cai chiếm 6%, Hà Nội - Hải Phòng chiếm 4%...

Đường sắt bất lực trước 4.000 nút giao tử thần  ảnh 2

Ý thức chấp hành ATGT đường sắt của người dân còn quá kém

Nút giao tử thần khó xóa

Ông Đoàn Duy Hoạch cho biết: “Những năm qua, ngành đường sắt đã áp dụng nhiều biện pháp để nâng cao an toàn đường sắt  nhưng tình trạng mất ATGT đường sắt vẫn gia tăng”. Từ năm 2007, Chính phủ đã giao VNR xây dựng lộ trình, tính toán kinh phí để xóa bỏ dần những đường ngang giao cắt với tuyến đường sắt chính, giải tỏa dân cư khu vực hai bên hành lang. Song, đến nay, mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ. 

“Việc xóa bỏ dần các lối đi dân sinh chưa thực hiện được do chưa có kinh phí làm đường gom và rào chắn. Chúng tôi cũng xác định, không thể xóa bỏ được các đường ngang dân sinh đã tồn tại. Trên thực tế, có những đường ngang chúng tôi đã chôn cột để ngăn phương tiện đi qua nhưng người dân lại nhổ cột lên...”, lãnh đạo VNR thông tin.  

Từ năm 2011, VNR đã trình Bộ GTVT phê duyệt các dự án về đền bù giải tỏa hành lang ATGT đường sắt. Nhưng đến nay, Bộ GTVT vẫn chưa phê duyệt để chuyển giao cho các địa phương thực hiện. Các địa phương nêu khó khăn trong việc bố trí kinh phí để thực hiện nhiệm vụ cảnh giới và chốt gác tại các đường ngang, lối đi dân sinh có nguy cơ mất ATGT cao. Tuy vậy, chính quyền một số địa phương cũng chưa nhận thức đầy đủ về ATGT đường sắt. Từ năm 2009 - 2010, VNR đã xây dựng phương án cắm mốc giới hạn hành lang an toàn đường sắt trình UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua phê duyệt. Nhưng hết năm 2014, vẫn còn 10 địa phương chưa phê duyệt. 

Khoảng 8h30 sáng 7-4, cả đoàn tàu khách Bắc - Nam SE7 đã phải dừng lại đoạn qua số nhà 84 đường Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội) vì vướng một chiếc xe ô tô đỗ sát đường ray. Phải mất khoảng 20 phút, người dân mới tìm được chủ nhân chiếc xe để đánh xe ra. Tuy nhiên, người này cũng chỉ nhích chiếc xe ra một chút rồi khóa cửa bỏ đi. Thế nên, lái tàu phải mất rất nhiều thời gian căn chỉnh mới cho đoàn tàu vượt qua được chiếc ô tô. 

Tôi đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn

“Đường ngang dân sinh ở đây không có rào chắn mà chỉ có đèn và chuông báo động, người dân tự động bảo nhau khi có tàu đến, xung quanh đây có 4 đường ngang như thế này, người dân tự mở ra nên không thể trách ngành đường sắt được. Tôi đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn ở đây, có người chủ quan, tàu đến nơi rồi nhưng cứ cố lao qua đường ngang nên gặp nạn”. 

Ông Nguyễn Công Tâm (phường Khâm Thiên, quận Đống Đa)

Quen sống chung với... tử thần

“Đường ngang dân sinh này đã có từ lâu rồi, những vụ tai nạn ở đây chủ yếu xảy ra với người dân từ nơi khác đi ngang qua, còn người dân ở đây đã quen sống chung với nó”.

Chị Đỗ Thị Hiền (ngõ 222 Lê Duẩn, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa)