Dự thảo nghị định về kinh doanh vận tải: Nới lỏng liệu đã hay?

ANTD.VN - Bộ GTVT vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô lần thứ 10. Đáng lưu ý, tại dự thảo lần này, Bộ GTVT đã cắt giảm từ 51 điều kiện kinh doanh xuống còn 3.

Cắt giảm mạnh điều kiện kinh doanh

Bộ GTVT cho biết, Nghị định 86/NĐ-CP hiện có tổng số 51 điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Trong đó, có 21 điều kiện chung; tuyến cố định 4 điều kiện; xe buýt 6 điều kiện; taxi 13 điều kiện; hợp đồng, du lịch 5 điều kiện; hàng hóa 2 điều kiện.

Sau khi rà soát, Bộ GTVT đã loại bỏ 8 điều kiện không còn phù hợp với thực tế và đưa ra khỏi dự thảo Nghị định, đồng thời chuyển sang nội dung quản lý 36 điều kiện. Hiện nay, dự thảo Nghị định chỉ còn lại 3 điều kiện về quyền sở hữu và quyền sử dụng phương tiện; điều kiện về sức chứa xe của các loại hình kinh doanh.

Một vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở Vĩnh Phúc, khi xe khách đâm đoàn người đưa tang

“Dự thảo Nghị định cũng bổ sung một số nội dung nhằm phân định rõ đơn vị kinh doanh vận tải với đơn vị cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, thể hiện đúng bản chất kinh doanh vận tải trong xu thế ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, tạo sự minh bạch, tránh phát sinh đùn đẩy trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước, với khách hàng trong hoạt động kinh doanh vận tải; đồng thời làm rõ hơn trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải, trách nhiệm của lái xe và quy định đối với phương tiện kinh doanh vận tải nhằm bảo đảm ATGT, an toàn cho hành khách”, Bộ GTVT cho biết.

Việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết, tránh gây phiền hà, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển là chủ trương đúng đắn. Dù vậy, việc cắt giảm tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/CP của Bộ GTVT cũng gây ra nhiều quan điểm khác.

"Thả gà ra" sẽ khó đuổi

Ý kiến từ một số địa phương cho rằng, cắt giảm nhiều, nới lỏng hết chưa chắc đã tốt. Bởi kinh doanh vận tải khách là loai hình kinh doanh có điều kiện, vì vậy, bắt buộc phải đảm bảo các điều kiện tối thiểu để đảm bảo an toàn giao thông, tính mạng người tham gia giao thông là trên hết.

Đại diện một Sở GTVT địa phương cho hay, hiện nay, ý thức chấp hành luật của các đơn vị kinh doanh vận  tải, của lái xe vẫn chưa cao. Không ít doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm, nhiều lỗi vi phạm trực tiếp dẫn đến mất ATGT. Nếu cắt bỏ hết các điều kiện mà chuyển thành quản lý dễ rơi vào tình trạng “thả gà ra đuổi”, rất khó quản lý.

“Cái cốt của quản lý vận tải là quy mô doanh nghiệp. Chúng ta nên hướng đến việc tập trung thành lập những doanh nghiệp vận tải lớn, vì đây mới là những đơn vị thực chất làm vận tải, quan tâm đến hình ảnh và thương hiệu”- đại diện một Sở GTVT bày tỏ.

Trong khi đó, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 lần 10 mà Bộ GTVT vừa trình Chính phủ lại bỏ quy định về quy mô doanh nghiệp vận tải, tức là tạo điều kiện cho doanh nghiệp siêu nhỏ.

Phân tích của một số chuyên gia vận tải cho thấy, phần lớn các vụ TNGT và gây mất TNGT xảy ra ở những doanh nghiệp, hợp tác xã nhỏ kiểu góp xe cổ phần. Mạnh ai người ấy chạy, quản lý yếu kém.

Sao không đưa xe hợp đồng trá hình vào khuôn khổ?

Trong khi đó, hiện nay, xe hợp đồng trá hình Limousine đang bùng phát tại một số đô thị, nguy cơ "giết chết" vận tải khách liên tỉnh tuyến cố định thì tại Dự thảo Nghị định lần 10 này vẫn chưa đưa ra quy định cụ thể để siết lại loại hình vận tải này.

Dự thảo chỉ đưa ra một số quy định chung chung như xe hợp đồng không được chạy tương tự tuyến cố định; trong tháng không được thực hiện tối đa 70% số chuyến xe mà có điểm đầu và điểm cuối trùng nhau… Tuy nhiên, theo các chuyên gia về giao thông, quy định này rất chung chung, khi vận dụng vào thực tế cũng khó hiệu quả.

Cùng bày tỏ về việc này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, vận tải khách theo hợp đồng đang bị biến dạng, tranh giành khách với xe khách tuyến cố định.

“Dự thảo Nghị đinh lần này cũng đã thu hẹp đáng kể điều kiện kinh doanh của loại hình xe hợp đồng với xe khách tuyến cố định liên tỉnh, song cũng chưa khắc phục được hoàn toàn những bất ổn hiện nay.

Một trong những điểm nghẽn là do quy định gốc tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008, hy vọng khi sửa đổi Luật này sẽ tháo gỡ được những bất cập lớn trong loại hình xe hợp đồng”- ông Quyền bày tỏ.