Dự án nâng cấp Quốc lộ 1: Thanh tra ra hàng loạt tồn tại, sai phạm

ANTĐ - Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1 đã về đích trước tiến độ, thậm chí Bộ GTVT cho biết, dự án còn thừa hàng nghìn tỷ đồng nhờ tiết kiệm chi phí. Tuy vậy, kết quả kiểm toán của các Bộ, ngành và Kiểm toán Nhà nước lại cho thấy, hàng loạt sai phạm của các nhà thầu, nhà đầu tư như đội vốn, giám sát không chặt gây thất thoát, khởi công khi chưa được phép…

Dự án nâng cấp Quốc lộ 1:  Thanh tra ra hàng loạt tồn tại, sai phạm ảnh 1

Dự án nâng  cấp QL1 đoạn Bình Thuận - Đồng Nai bị chỉ ra hàng loạt sai phạm

Chưa có giấy phép đã khởi công

Mới đây, Bộ KH-ĐT đã thanh tra (từ 16-7 đến 1-9-2015) và kết luận hàng loạt sai phạm tại Dự án mở rộng QL1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai. Dự án có chiều dài 125km, được xây dựng theo hình thức BOT (hợp đồng-kinh doanh-chuyển giao), tổng mức đầu tư 2.085 tỷ đồng, do Ban QLDA 1 làm chủ đầu tư, Tổng Công ty 319 là nhà đầu tư, khởi công ngày 18-4-2013 và hoàn thành vào ngày 31-12-2014.

Dự án này được Bộ KH-ĐT chỉ ra sai sót ngay từ khâu ban đầu thuộc về Bộ GTVT. Cụ thể, tại thời điểm công bố danh mục dự án, kêu gọi đầu tư, Bộ GTVT vẫn công bố 2 dự án: Dự án tăng cường mặt đường đoạn Phan Thiết - cuối Bình Thuận và Dự án tăng cường mặt đường đoạn đầu Đồng Nai - Biên Hòa.

Tuy nhiên, khi thực hiện dự án, lựa chọn nhà đầu tư và phê duyệt dự án, Bộ GTVT đã ghép chung 2 dự án này và giao cho 1 nhà đầu tư thực hiện. Theo Bộ KH-ĐT, việc này làm hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư có nhu cầu. Đặc biệt, qua thanh tra, Bộ KH-ĐT chỉ ra, trong quá trình lập và phê duyệt tổng mức đầu tư còn một số tồn tại, sai sót làm tăng chi phí xây lắp và tổng mức đầu tư thêm hơn 23 tỷ đồng.

Trong đó, chi phí nhân công thay vì sử dụng lương tối thiểu chung là 1,050 triệu đồng/tháng theo quy định tại Nghị định 31/2012 của Chính phủ, dự án lại lấy lương tối thiểu vùng, ngoài ra còn được Bộ GTVT  bổ sung thêm 10% cho phụ cấp không ổn định. Việc Bộ GTVT cho phép không đúng thẩm quyền này đã làm tăng chi phí của dự án thêm hơn 3,655 tỷ đồng.

Ngoài ra, đoàn thanh tra còn phát hiện giá nhựa đường của dự án áp không đúng, điều này đã làm tăng chi phí xây lắp hơn 19,290 tỷ  đồng. Cụ thể, giá nhựa đường theo thông báo của tỉnh Đồng Nai là 15.000 đồng/kg và của tỉnh Bình Thuận là 15.600 đồng/kg. Nhưng tư vấn tính toán trong tổng mức đầu tư chung một giá nhựa đường cho toàn bộ dự án theo báo giá của tỉnh Bình Thuận (cao hơn), trong khi dự án đi qua 2 tỉnh. 

Đoàn thanh tra Bộ KH-ĐT cũng chỉ ra, dự án được khởi công khi chưa đủ điều kiện. Phải đến ngày 13-9-2013 dự án này mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, tuy nhiên, ngày 8-4-2013 dự án đã khởi công.

Thậm chí, phải đến ngày 28-11-2013, nhà đầu tư mới được phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công. “Việc thi công khi chưa có thiết kế bản vẽ thi công được duyệt là vi phạm Luật Xây dựng, vi phạm Nghị định 15/2013 của Chính phủ quy định về chất lượng công trình xây dựng”, kết luận của Bộ KH- ĐT nêu rõ.

Thiếu minh bạch

Qua thanh tra, tính toán, Bộ KH-ĐT cho biết, tổng giá trị đầu tư cho dự án đến thời điểm thanh tra là 1.606 tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn đầu tư này nhỏ hơn 360 tỷ đồng so với tổng vốn đầu tư do nhà đầu tư phê duyệt và nhỏ hơn 464,254 tỷ đồng so với tổng vốn đầu tư cơ sở (2.071 tỷ đồng).

Do vậy, Bộ KH-ĐT kiến nghị, Bộ GTVT chỉ đạo nhà đầu tư và các đơn vị có liên quan rà soát, tính toán lại các chi phí để điều chỉnh giá trị tổng mức đầu tư và phương án tài chính theo quy định. “Chỉ đạo các tập thể, cá nhân có liên quan kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục tồn tại trong quản lý, điều hành tại dự án”, Bộ KH-ĐT đề nghị.

Đối với nhà đầu tư, ngoài việc phải giảm trừ quyết toán số tiền chênh lệch, Bộ KH-ĐT còn yêu cầu hoàn trả ngân sách Nhà nước số tiền hơn 9,2 tỷ đồng trước đó đã được Ban QLDA 1 dùng ngân sách Nhà nước chi trả cho việc lập kế hoạch đầu tư.

Trước đó, Kiểm toán Nhà nước cũng đã chỉ ra một loạt sai sót tại Dự án mở rộng QL1 đoạn qua tỉnh Quảng Bình có tổng chiều dài 84 km. Dự án chính thức thông xe từ tháng 10-2015, nhưng đến nay đã có tới 6 đoạn đường bị hư hỏng, hằn lún vệt bánh xe có độ sâu khoảng 2,5cm, với tổng diện tích lên tới 15.600m2.

Dự án này do Công ty CP Tasco làm chủ đầu tư. Liên quan đến công tác lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng do Tasco thực hiện, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, đối với các gói thầu xây lắp, quá trình thực hiện đã không làm đầy đủ các bước theo đúng quy định. Đối với các gói thầu thiết bị, Tasco thậm chí còn tổ chức thực hiện khi chưa lập, thẩm định phê duyệt kế hoạch đấu thầu và lựa chọn nhà thầu; chưa gửi thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu…

Ngoài ra, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra, công tác nghiệm thu, thanh toán còn một số tồn tại, sai sót. Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện giảm trừ số tiền 3,5 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sai sót là do trong quá trình nghiệm thu thanh toán cho các nhà thầu, tư vấn giám sát, doanh nghiệp dự án chưa kiểm soát khâu tính toán lại khối lượng theo hồ sơ hoàn công…

Dự án nâng cấp, mở rộng QL1 đã được hoàn thiện, góp phần không nhỏ vào giao thông trục huyết mạch Bắc-Nam. Tuy nhiên, việc các dự án thành phần liên tục về đích trước thời hạn, thậm chí cả việc dự án này đã tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cũng cần được nhìn nhận thỏa đáng.

Liên tiếp các tiểu dự án bị phát hiện sai phạm, chất lượng công trình hư hỏng khi vừa đưa vào sử dụng, trong khi trên toàn tuyến hàng loạt trạm thu phí BOT đã được lập lên để hoàn vốn cho nhà đầu tư.