Doanh nghiệp vận tải cần làm thế nào để được dừng đóng phí bảo trì đường bộ?

ANTD.VN - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều tháng nay, các doanh nghiệp vận tải khách hợp đồng, du lịch và tuyến cố định liên tỉnh đã phải dừng hoạt động, phương tiện để không nhưng vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ.

Nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ, làm thế nào để các phương tiện đang tạm thời không hoạt động nhiều tháng nay được dừng đóng phí bảo trì?

Trả lời về vấn đề này, Bộ GTVT cho biết, việc trả lại hoặc bù trừ phí đã nộp được quy định tại Điều 9 Thông tư số 293/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí đường bộ.

Phương tiện tạm dừng kinh doanh từ 30 ngày trở lên sẽ được dừng đóng phí bảo trì đường bộ

Do vậy, căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 19 của Thông tư 293/2016, các xe kinh doanh vận tải thuộc hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh vận tải tạm dừng lưu hành liên tục từ 30 ngày trở lên phải làm đơn xin tạm dừng lưu hành (theo mẫu quy định tại phụ lục 06 Thông tư 239/2016) gửi Sở GTVT nơi quản lý, cấp phép hoạt động kinh doanh vận tải hoặc nơi sử dụng phương tiện (đối với trường hợp mang phương tiện đến địa phương khác sử dụng) kèm theo giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

“Ngay sau khi Sở GTVT kiểm tra và xác nhận vào đơn, doanh nghiệp có trách nhiệm gửi đơn cho đơn vị đăng kiểm xe cơ giới. Doanh nghiệp sẽ không phải chịu phí sử dụng đường bộ đối với các xe tạm dừng lưu hành từ 30 ngày trở lên tính từ ngày Sở GTVT xác nhận vào đơn xin tạm dừng lưu hành. Doanh nghiệp cần nghiên cứu quy định tại Thông tư 239/2016 của Bộ Tài chính để thực hiện”, Bộ GTVT cho biết.

Trước đó, một số doanh nghiệp đã gửi kiến nghị đến Bộ GTVT cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp vận tải khách như xe hợp đồng, xe du lịch, tuyến cố định liên tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đơn cử, Công ty TNHH Du lịch và vận tải Sen Vàng cho biết, nguồn thu duy nhất của doanh nghiệp đến từ doanh thu dịch vụ vận tải. Do dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt nên hiện tại các tour đều bị hủy hoặc khách hàng không được nhập cảnh vào Việt Nam. Thậm chí, lượng khách nội địa cũng không có, do tâm lý e ngại dịch bệnh.

“Tính từ tháng 2/2020, doanh thu của chúng tôi đã bằng 0 do đóng băng thị trường du lịch. Toàn bộ xe đều đang nằm tại bãi xe nhiều ngày qua. Cán bộ, lái xe, nhân viên không có việc làm.

Hiện có một loại phí là phí đường bộ nhưng xe ô tô của doanh nghiệp không tham gia đường bộ, xe đã phải trả phí đỗ tại bãi xe mà không sử dụng đường bộ sao vẫn phải đóng loại phí này”, trong đơn kiến nghị doanh nghiệp này cho biết.