Đổ xô mua bảo hiểm xe cơ giới: Đối phó hay thiết thực?

ANTD.VN - Người dân đổ xô đi mua bảo hiểm xe cơ giới, trong đó phần lớn là bảo hiểm xe máy. Tuy vậy, phần lớn là mua với tâm lý "đối phó" trong trường hợp bị lực lượng chức năng kiểm tra hành chính, giấy tờ phương tiện. 

Xếp hàng mua bảo hiểm

Từ ngày 15/5 đến hết 14/6, lực lượng CGST trên cả nước đồng loạt ra quân, tổng kiểm tra các phương tiện giao thông đường bộ. Theo kế hoạch, CSGT sẽ được phép dừng xe để kiểm soát giấy tờ của người và phương tiện không cần có lỗi ban đầu.

Mức phạt đối với ô tô, xe máy không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc được quy định trong Nghị định 100/2019. Cụ thể, Điều 21 quy định phạt tiền 100.000-200.000 đồng đối với người điều khiển mô tô, xe máy, các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe máy không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực (khoản 2).

Người dân đổ xô đi mua bảo hiểm xe cơ giới để tránh bị phạt khi kiểm tra hành chính

Đối với người điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô không có bảo hiểm sẽ bị phạt tiền 400.000-600.000 đồng (khoản 4).

Bởi vậy, mấy ngày qua, người dân đổ xô đi mua bảo hiểm xe cơ giới để “phòng” trường hợp bị dừng phương tiện để kiểm tra, trong đó nhiều nhất là bảo hiểm đối với mô tô, xe gắn máy.

Mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều "đại lý" bán bảo hiểm xe cơ giới

Ghi nhận cho thấy, tại các điểm bán bảo hiểm mô tô, xe gắn máy của Pjico, Bảo Việt, MIC, PVI, lượng người dân đến mua bảo hiểm đông đúc chưa từng thấy, đặc biệt là tại các cây xăng kiêm đại lý của Pjico, người dân xếp hàng chờ mua bảo hiểm.

Bên cạnh đó, dọc các tuyến phố lớn có lượng phương tiện tham gia đông trên địa bàn Hà Nội cũng “mọc” lên nhiều điểm bán bảo hiểm mô tô, xe gắn máy di động như Giải Phóng, Cổ Linh…

Tuy vậy, người dân nên cẩn trọng vì bảo hiểm xe máy loại tự nguyện không có giá trị khi bị kiểm tra

Tại điểm bán bảo hiểm của Pjico trên đường Láng, Hà Nội vào sáng 18/5, anh Trần Trung Dũng ở Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội cho biết, cả hai chiếc xe gắn máy nhà anh đều đã hết hạn bảo hiểm mấy năm nay nhưng chưa mua lại.

“Từ khi biết thông tin lực lượng CSGT sẽ dừng phương tiện bất kỳ để kiểm tra hành chính, bao gồm giấy tờ xe nên tôi phải đi mua cho đầy đủ, phòng nhỡ bị kiểm tra. Không ngờ, đến nơi cũng phải xếp hàng cả chục phút, vì lượng người đến mua rất đông”- anh Dũng cho hay.

Chị Nguyễn Hương, chủ một đại lý bảo hiểm ở Hà Nội cho biết, đây là lần đầu tiên sau 2 năm làm nghề, doanh số bán hàng của chị cao vượt bậc. Hiện tại, trung bình mỗi ngày, chị bán ra thị trường từ 500 - 1.000 sản phẩm bảo hiểm dành cho xe cơ giới, trong đó chủ yếu là bảo hiểm với xe máy.

Không chỉ tại các đại lý của các hãng bảo hiểm, trên mạng xã hội, nhiều người cũng bỗng dưng rao bán bảo hiểm xe mô tô và thu hút được đông đảo người vào mua.

Nhiều người dân bày tỏ, chỉ sau đúng một đêm, các loại bảo hiểm xe máy trở thành mặt hàng được săn lùng, kiếm tìm nhiều nhất.

Bảo hiểm tự nguyện không có giá trị khi bị kiểm tra

Đáng nói, trên nhiều tuyến đường, các “đại lý” bán bảo hiểm xe máy di động rao bán bảo hiểm chỉ 20.000 đồng/năm, thậm chí là 15.000 đồng/năm. Tuy nhiên, theo lý giải, đây không phải bảo bảo hiểm dân sự bắt buộc, mà là bảo hiểm tự nguyện. Đặc biệt, loại bảo hiểm này không có giá trị nếu CSGT kiểm tra giấy tờ phương tiện.

Theo ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn bảo hiểm InFair, hiện nay, sản phẩm bảo hiểm xe máy có 4 loại, là bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS); Bảo hiểm vật chất xe; Bảo hiểm mất cắp; Bảo hiểm tai nạn cho người ngồi trên xe.

Trong đó bảo hiểm TNDS là bắt buộc, nếu không có sẽ bị xử phạt theo quy định tại Thông tư 22/2016 của Bộ Tài chính. Theo ông Xuân, bảo hiểm TNDS sẽ không bồi thường trực tiếp cho chủ xe máy mà đứng ra bồi thường thay chủ xe (trong trường hợp chẳng may gây ra tai nạn) một khoản tiền cho nạn nhân, được gọi là bên thứ ba.

Tuy nhiên, nạn nhân (bên thứ ba) phải không nằm trong diện loại trừ bảo hiểm (không có giấy phép lái xe, vi phạm giao thông, có nồng độ cồn...) mới được bảo hiểm bồi thường.

Còn với loại bảo hiểm đang được bán với giá rất rẻ, từ 10.000 đồng-20.000 đồng/năm, ông Xuân cho hay, đó là bảo hiểm tự nguyện dành cho việc bồi thường thiệt hại cho người ngồi phía sau người lái.

Giá trị bồi thường cao nhất khoảng 10 triệu đồng/vụ. Đây là loại bảo hiểm hợp pháp nhưng là bảo hiểm tự nguyện, không bắt buộc phải có. Người lái xe có loại bảo hiểm này vẫn sẽ bị CSGT xử phạt. Trong khi phí bảo hiểm TNDS bắt buộc theo quy định là 60.000 đồng/năm đối với xe máy và thấp nhất từ 437.000 đồng/năm với ô tô.