Đình chỉ 27 phi công Pakistan đang làm việc tại các hãng hàng không Việt Nam

ANTD.VN - Qua rà soát ban đầu, Cục Hàng không Việt Nam đang tạm đình chỉ 27 phi công người Pakisatan đang làm việc cho các hãng hàng không  Việt Nam để xem xét lại vấn đề bằng cấp, chứng chỉ.

Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, ngay sau khi có thông tin chính thức từ nhà chức trách Hàng không Pakistan, ngay trong ngày 25/6/2029, Cục Hàng không Việt Nam đã chủ động rà soát và đình chỉ tổng số 27 phi công có quốc tịch Pakistan đang làm việc tại các hãng hàng không Việt Nam.

Đây là quyết định mang tính tình huống, tạm thời phục vụ cho công tác xác minh, phòng ngừa nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn (chưa có kết luận cuối cùng).

Ngoài ra, qua rà soát ban đầu cũng không phát hiện ra phi công nước ngoài nào đang làm việc tại Việt Nam thi cấp bằng lái của Pakistan.

Hiện Cục Hàng không Việt Nam đang tích cực làm việc với nhà chức trách hàng không Pakistan để xác nhận tính hợp pháp cũng như tính hợp chuẩn bằng lái của các phi công này.

Việt Nam rà soát toàn bộ bằng lái, chứng chỉ của phi công nước ngoài làm việc tại các hãng hàng không trong nước 

Đồng thời, sau khi có chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam sẽ tích cực, nghiêm túc phối hợp cùng các hãng hàng không Việt Nam để tổng rà soát và xác minh tính hợp pháp, hợp chuẩn bằng lái của tất cả phi công nước ngoài đang làm việc tại các hãng.

“Tuy nhiên, do số lượng phi công nước ngoài làm việc tại các hãng hàng không Việt Nam rất lớn, liên quan đến nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, nên Cục sẽ hết sức nỗ lực để có báo cáo đúng thời hạn mà đồng chí Bộ trưởng yêu cầu”- đại diện Cục Hàng không cho biết.

Hiện nay, nhân lực cao ngành hàng không, cụ thể là phi công được cho là đang thiếu tại thị trường Việt Nam.

Đặc biệt trong bối cảnh vận tải hàng không phát triển luôn giữ ở mức 2 con số nhiều năm qua ở Việt Nam. Trong khi đó, đến nay, Việt Nam vẫn chưa đủ điều kiện để đào tạo hoàn chỉnh một phi công từ A đến Z, mà vẫn phải ra nước ngoài.

Nhiều năm trước, Vietnam Airlines đã mở trung tâm đào tạo phi công, đầu tư các buông lái giả định của một số loại hình tàu bay như A350, B787, A321… Tuy nhiên, việc đào tạo cũng chưa đáp ứng được nhu cầu về phi công của hãng.

Theo tính toán của Vietnam Airlines, phi công và nhân viên kỹ thuật chất lượng cao là nguồn nhân lực rất đặc thù. Để đào tạo 1 phi công lái được các dòng máy bay thông thường phải mất 4-5 năm.

Thời gian đào tạo phi công Airbus 350 hoặc Boeing 787 phải phải mất 7-8 năm. Kỹ sư kỹ thuật bay cũng mất 3-4 năm mới làm được việc.

Theo ước tính, hiện lượng phi công nước ngoài đang làm việc cho các hãng hàng không của Việt Nam lên tới cả nghìn người.

Trong đó, ngoài Vietnam Arlines có tỷ lệ phi công nước ngoài thấp, chỉ khoảng 25% thì Vietjet, Jetstar Pacific và Bamboo Airways đều đang có số phi công nước ngoài chiếm trên 70% tổng số phi công đang làm việc.

Cụ thể như, Bamboo Airways thông tin, hiện hãng có 300 phi công nước ngoài làm việc. Song, theo thông tin từ hãng này đến ngày 27/6 thì không có phi công nào người Pakistan.

Hãng cũng khẳng định, Bamboo Airways rất chú trọng công tác tuyển phi công, đặc biệt là phi công người nước ngoài. Từ trước khi có yêu cầu của Bộ GTVT, Bamboo Airways đã tự rà soát toàn bộ lượng phi công đang làm việc tại hãng.

Vietnam Airlines cũng khẳng định, dù có đội ngũ phi công nước ngoài làm việc khá lớn nhưng cũng không có phi công nào người Pakistan.

Trong sáng 27/6, trước những thông tin về việc mhà chức trách hàng không Pakistan phát hiện hơn 250 phi công Pakistan dùng bằng lái máy bay giả mạo và để đảm bảo tuyệt đối an toàn hàng không, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam rà soát và cấm ngay việc thực hiện nhiệm vụ bay của toàn bộ các phi công quốc tịch Pakistan, phi công người nước ngoài (đang làm việc cho các hãng hàng không Việt Nam) sử dụng bằng cấp, chứng chỉ (nghi vấn giả mạo) do Pakistan cấp.

Cục Hàng không Việt Nam cũng được yêu cầu rà soát, tạm dừng nhiệm vụ bay đối với các phi công quốc tịch Pakistan đang làm việc cho các hãng hàng không của Việt Nam để kiểm tra tính xác thực của bằng cấp, chứng chỉ;

Rà soát, xác minh tính xác thực đối với bằng cấp, chứng chỉ của tất cả các phi công người nước ngoài đang làm việc cho các hãng hàng không Việt Nam và xử lý đối với các trường hợp có dấu hiệu sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả mạo.

Kết quả rà soát phải được báo cáo về Bộ GTVT trước ngày 31/7/2020.