Lỗi chủ quan khiến tai nạn giao thông thêm trầm trọng

Điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm: Lỗi "nhỏ", hậu quả lớn

ANTD.VN - 10 năm kể từ khi có quy định bắt buộc người ngồi trên mô tô, xe máy phải đội mũ bảo hiểm (MBH), đến nay, ý thức người dân đã được nâng lên nhiều. Tuy nhiên, còn không ít trường hợp vi phạm và số người đội MBH không đạt chuẩn chiếm gần một nửa...

Điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm: Lỗi "nhỏ", hậu quả lớn ảnh 1Cảnh sát giao thông xử lý người vi phạm không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy điện

Xử phạt nhiều nhưng vi phạm vẫn tràn lan

Sau mỗi kỳ nghỉ, lễ, Tết, số vụ, người bị thương phải nhập viện cấp cứu vì tai nạn giao thông (TNGT) luôn tăng đột biến. Trong số những nạn nhân phải nhập viện cấp cứu vì TNGT, kinh hoàng hơn cả là những người không đội MBH, bị tai nạn và chấn thương ở vùng đầu. Có lẽ chính vì vậy mà ở khu vực trước cổng Bệnh viện Việt Đức, một tấm biển cảnh báo an toàn giao thông (ATGT) với những hình ảnh nạn nhân bị thương khi tai nạn và không đội MBH được treo lên đầy day dứt, nhắc nhở mỗi người tham gia giao thông qua đây.

Thượng tá Nguyễn Đức Chung, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 5, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội nhớ lại khoảng thời gian chỉ huy Tổ công tác 141. Trên vùng đầu của Thượng tá Nguyễn Đức Chung vẫn còn in hằn vết sẹo dài, lồi hẳn lên - đây là dấu vết để lại sau khi anh bị một đối tượng không đội MBH, dùng xe lao thẳng vào người khiến anh bị hất văng xuống đất, bất tỉnh. Vết thương rất nặng khiến Thượng tá Nguyễn Đức Chung phải nhập viện cấp cứu và đương nhiên, đối tượng vi phạm đã bị bắt giữ sau đó.

“Trong năm 2018, cùng với việc xử lý các trường hợp không đội MBH, đơn vị sẽ tham mưu, xây dựng các kế hoạch kiểm tra, xử lý đối với những người đội MBH không đạt chuẩn. Bên cạnh đó, Phòng CSGT cũng kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH giả, không đạt chuẩn, để chặn đứng nguồn nguy hiểm tuồn ra thị trường”.

Đại tá Đào Vịnh Thắng (Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội) 

“Tôi nhắc nhở đảm bảo ATGT cho những ai cố tình không đội MBH, nhưng lại bị đối tượng không đội MBH gây chấn thương nặng ở vùng đầu. Nhưng nếu mình không bị thương, chưa biết chừng đối tượng lại nhập viện vì TNGT, bởi lúc đó họ phóng xe rất nhanh”, Thượng tá Nguyễn Đức Chung cười đau xót.  

Cũng chung tâm trạng bức xúc, Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội CSGT số 1, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội chia sẻ: “Không hiểu được vì sao quy định đội MBH khi ngồi trên mô tô, xe máy có từ 10 năm nay, mà đến giờ vẫn còn không ít người vi phạm. Đành rằng TNGT có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nếu như người tham gia giao thông không chú ý, đảm bảo an toàn, nhưng hơn ai hết, chính bản thân họ phải biết cách để bảo vệ bản thân mình tốt nhất. Chẳng những coi thường chính mạng sống, khi được CSGT dừng xe nhắc nhở, xử phạt, lại có không ít đối tượng chống đối đến cùng, thậm chí giở đủ các quan hệ ra “đe” người thực thi công vụ”. 

Thống kê của Đội CSGT số 1 cho thấy, lỗi vi phạm về MBH luôn đứng đầu trong tất cả các lỗi mà CBCS của đơn vị xử phạt. Cụ thể, trong năm 2017, có tới 20.518 trường hợp vi phạm bị Đội CSGT số 1 xử phạt. Còn Đội CSGT số 6, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội cũng đã xử lý lỗi không đội MBH tới gần 30.000 trường hợp trong năm 2017...

Loại bỏ ngay tâm lý chống đối

Ghi nhận thực tế của phóng viên, dù số trường hợp vi phạm bị xử phạt rất cao, nhưng thực tế số vi phạm này vẫn tràn lan  khắp các tuyến phố, con đường trên địa bàn thành phố. “Thực tế số trường hợp vi phạm lớn hơn rất nhiều con số đã bị CSGT xử phạt. Chúng tôi mới chỉ xử lý những trường hợp ngồi trên mô tô, xe máy không đội MBH, chứ chưa “rờ” đến người sử dụng MBH giả, kém chất lượng. Số lượng người đội loại mũ này cũng không hề nhỏ”, Trung tá Thiều Mạnh Ngọc cho biết.

Cũng theo chỉ huy Đội CSGT số 1, việc đội MBH hiện nay của phần lớn người dân vẫn là tâm lý đối phó. Từ công nhân - viên chức, đến học sinh, sinh viên, hay phụ huynh đưa đón con đến trường, không ít người mua MBH không đạt chuẩn, đội cho có để tránh bị CSGT xử phạt. Câu chuyện chiếc mũ đó có an toàn hay không, có lẽ đối với họ không quan trọng.

Nhìn nhận vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia trong Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện quy định đội MBH đã khẳng định: “Tỷ lệ người đội MBH khi lưu thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp điện trên đường chiếm tới 90%. Tuy nhiên, tỷ lệ đội MBH cho trẻ em còn thấp, mới chỉ đạt từ 35-40% và thực trạng này là vô cùng đáng lo ngại. Số người dân đội MBH để đối phó với CSGT cũng nhiều”. Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an, tình trạng người dân không đội MBH và đội MBH kém chất lượng, không đạt chuẩn vẫn phổ biến. 

Trên thực tế, khi CSGT kiểm tra, người dân thường viện dẫn lý do không biết mũ bảo hiểm chất lượng như thế nào… để ngụy biện cho chiếc MBH kém chất lượng mình đang đội. Tuy nhiên, nhìn nhận dưới góc độ một khách hàng, chẳng có người mua nào lại không biết chiếc MBH của mình có chất lượng ra sao. “Không thể có được một chiếc MBH tốt, đạt chuẩn chỉ với 20.000-30.000 đồng khi mua ở vỉa hè, lề đường”, đại diện Cục CSGT, Bộ Công an khẳng định.

Đại úy Phạm Đức Hoàng, Đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội thông tin: Thống kê trong tổng số các lỗi vi phạm bị Phòng CSGT xử phạt thì lỗi không đội MBH luôn đứng đầu. Trong rất nhiều cuộc họp triển khai kế hoạch, chuyên đề xử lý vi phạm, lỗi vi phạm về MBH luôn được lãnh đạo CATP và Ban chỉ huy Phòng CSGT đường bộ - đường sắt đặc biệt quan tâm. Cụ thể hóa những trăn trở và thái độ quyết liệt với vi phạm này, đó là rất nhiều kế hoạch, chuyên đề xử lý vi phạm đã được đơn vị tham mưu, xây dựng, triển khai. 

“Không hiểu được vì sao quy định đội MBH khi ngồi trên mô tô, xe máy có từ 10 năm nay, mà đến giờ vẫn còn không ít người vi phạm. Đành rằng TNGT có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nếu như người tham gia giao thông không chú ý, đảm bảo an toàn, nhưng hơn ai hết, chính bản thân họ phải biết cách để bảo vệ bản thân mình tốt nhất. Chẳng những coi thường chính mạng sống, phần quan trọng nhất, dễ chấn thương nhất, khi được CSGT dừng xe nhắc nhở, xử phạt, lại có không ít đối tượng chống đối đến cùng, thậm chí giở đủ các quan hệ ra “đe” người thực thi công vụ”.

Trung tá Thiều Mạnh Ngọc (Đội trưởng Đội CSGT số 1, Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội)

(Còn tiếp)