Đeo tai nghe và nghe điện thoại khi tham gia giao thông: Nguy hiểm chết người

ANTD.VN - Bước sang năm 2020, Luật giao thông đường bộ đã có nhiều sự thay đổi về quy định và điều luật. Trong đó, đáng ý và gây nhiều ý kiến trái chiều xã hội đó là việc tăng mức xử phạt đối với lỗi sử dụng thiết bị di động như đeo tai nghe, nghe điện thoại khi điều khiển phương tiện.

Thực trạng người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông vừa sử dụng điện thoại, vừa đeo tai nghe rất phổ biến hiện nay và thói quen này đã trở thành mối nguy trên đường. Nhiều trường hợp vì mải mê nghe điện thoại, tập trung vào bài hát mà qua đường thiếu quan sát, chuyển hướng sai, không dừng đèn đỏ… gây bất bình cho những người điều khiển phương tiện cùng lưu thông.

Thời gian qua, đã có nhiều trường hợp gây tai nạn, thậm chí dẫn đến tử vong, mà nguyên nhân là do sử dụng các thiết bị di động khi tham gia giao thông.

Sự việc đáng tiếc xảy ra vào ngày 3-8-2019, trong lúc dừng bên đường ray đường sắt Bắc - Nam đoạn qua thôn Lạc Sơn (xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình), nam sinh Nguyễn Văn Q. lấy điện thoại ra chơi và đeo tai nghe, không phát hiện được tàu hỏa đang đi tới nên đã bị đâm trúng, tử vong tại chỗ.

Nam sinh tử vong do sử dụng điện thoại khi qua đường tàu

Không chỉ ở Việt Nam, các nước trên thế giới cũng đã không ít vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra do người điều khiển sử dụng thiết bị di động khi điều khiển phương tiện giao thông.

Tháng 11-2019, Vận động viên 18 tuổi Amina Bulakh tại Ukraine đã tử vong vì bị một đoàn tàu đâm phải sau khi cô vừa băng qua một tuyến đường sắt. Các nhân chứng cho biết, trong lúc lái xe nạn nhân vừa đeo tai nghe và lướt di động vì vậy đã không biết được đoàn tàu đang đến gần.

Theo phân tích của cơ quan chức năng Việt Nam, số vụ tai nạn giao thông do sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông gần tương đương với số vụ tai nạn do người lái xe sử dụng rượu bia.

Tăng mức xử phạt để răn đe                             

Để tăng sức răn đe, theo Nghị định 100-2019-NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông được áp dụng từ 1-1-2020 mức phạt các hành vi vi phạm tăng rất cao so với quy định tại nghị định 46-2016-NĐ-CP trước đây.

Cụ thể, đối với lái xe máy sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính) sẽ bị xử phạt từ 600 nghìn - 1 triệu đồng (nghị định 46 là 200 - 300 nghìn đồng).

Đối với tài xế ô tô, dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe sẽ bị phạt 1 - 2 triệu đồng (nghị định 46 là 600 - 800 nghìn đồng).

Mức xử phạt mới đối với hành vi sử dụng thiết bị di động khi tham giao thông

Trong trường hợp người điều khiển xe sử dụng điện thoại, thiết bị tai nghe gây tai nạn giao thông, ngoài việc bị xử phạt hành chính sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.

Việc tăng mức tiền phạt theo Nghị định 100/2019 được kỳ vọng sẽ thay đổi ý thức khi tham gia giao thông và giảm tình trạng tai nạn liên quan đến việc sử dụng thiết bị khi điều khiển phương tiện.

Thói quen gây chết người

Khảo sát của Quỹ phòng chống thương vong châu Á (AIP) cho biết, có tới 79% sinh viên thừa nhận từng sử dụng điện thoại di động ít nhất 1 lần khi lái xe trong tổng số 927 sinh viên tham gia khảo sát.

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) cho thấy, một người sử dụng điện thoại khi lái xe có nguy cơ gây ra tai nạn cao gấp 4 lần so với bình thường.

Khoa học đã chứng minh, vừa lái xe vừa sử dụng thiết bị di động có thể làm người điều khiển xao lãng bởi rất nhiều yếu tố, như sự chênh lệch màu sắc, hình ảnh, âm thanh… Vì vậy, hành vi này tiền ẩn nhiều rủi ro như mất tập trung khi lái xe, đồng thời không thể phản ứng khi gặp những tình huống bất ngờ, gây tai nạn là điều khó tránh khỏi.

Hiện trường vụ tai nạn do sử dụng điện thoại khi lái xe (Ảnh internet)

Nguy hiểm luôn rình rập khi vừa sử dụng điện thoại vừa lái xe

Như vậy, đã đến lúc cần phải thay đổi thói quen nguy hiểm sử dụng thiết bị di động khi đang lái xe.

Nếu bắt buộc phải sử dụng điện thoại, hãy dừng hẳn xe sử dụng điện thoại. Đây là cách an toàn cho cả bạn và những người xung quanh. Không nên đeo tai nghe để nghe cuộc gọi, bởi nó cũng làm nhập tâm vào cuộc gọi mà mất tập trung lái xe.

Tuyệt đối không nhắn tin hay lướt web, chat khi tham gia giao thông, nguy cơ tai nạn có thể ở ngay phía trước.

Hãy xem xét việc sử dụng điện thoại khi đang lái xe có mang lại lợi ích thiết thực nào và có thật sự cần thiết? Hành vi này không chỉ bị xử phạt nặng về hành chính mà còn gây nguy hiểm tính mạng cho bản thân và những người đang lưu thông trên đường.

Biết khi không với việc sử dụng thiết bị di động khi lưu thông trên đường là cách giảm ngừa nguy cơ gây ra tai nạn. Không có cuộc gọi hay tin nhắn nào đáng giá bằng mạng sống của bản thân và những người xung quanh. Đừng chủ quan!