Xử lý xe quá tải, nhồi nhét khách:

Đề xuất rút giấy phép, xem xét trách nhiệm hình sự

ANTĐ - Xe chở hàng hóa quá tải trọng cho phép, xe khách chở quá số người quy định còn tung hoành là do địa phương vào cuộc chưa quyết liệt và chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Do đó, Bộ GTVT sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung, nâng cao mức xử phạt vi phạm đối với hành vi này.

Đề xuất rút giấy phép, xem xét trách nhiệm hình sự ảnh 1Xe chở quá số người quy định có thể bị rút giấy phép kinh doanh

Chế tài chưa đủ răn đe

Cả nước hiện có hơn 9.000 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đã được cấp phép với hơn 110.000 xe chở khách (51.300 xe taxi). Đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng và du lịch có hơn 7.000 với khoảng 33.000 xe ô tô. Theo quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP, lái xe và chủ phương tiện chở quá số người quy định bị xử phạt hành chính với mức tiền khá cao. Bên cạnh đó, với lái xe chở hàng quá tải trọng, còn có hình thức phạt bổ sung như thu hồi Giấy phép kinh doanh từ 1-3 tháng...

Tuy vậy, tình trạng xe chở hàng quá tải, xe chở khách quá số người quy định vẫn còn tái diễn tại nhiều nơi. Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2015, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động đã dừng kiểm tra hơn 56.000 ô tô, phát hiện và lập biên bản 5.900 trường hợp vi phạm. Theo Vụ trưởng Vụ Vận tải, với xe khách, Nghị định 171/NĐ-CP chưa có chế tài bổ sung như thu hồi phù hiệu xe, thu giấy phép kinh doanh nên chưa đủ sức răn đe. Hơn nữa, với quy định hiện hành, luật pháp mới chỉ kiểm soát số lượng người được phép chở mà chưa kiểm soát được số lượng hàng hóa được phép chở của xe khách. Do đó, Vụ Vận tải kiến nghị Bộ GTVT bổ sung quy định thu hồi chấp thuận tuyến, thu hồi phù hiệu, biển hiệu của phương tiện vi phạm từ 3-6 tháng, thậm chí thu hồi vĩnh viễn nếu vi phạm ở mức nghiêm trọng. “Cần báo cáo Chính phủ về sự cần thiết để sửa đổi, bổ sung Nghị định 171/NĐ-CP và Nghị định 86/NĐ-CP để quy định thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải của đơn vị nếu vi phạm chở quá số người quy định nghiêm trọng”, ông Trần Bảo Ngọc đề xuất.

Trước tình trạng xe chở quá tải có hành vi chống đối lực lượng thực thi nhiệm vụ, Vụ Vận tải đề xuất áp dụng một số biện pháp xử lý tạm thời như khóa bánh phương tiện tại chỗ hoặc kéo, cẩu đến nơi tập kết, chủ xe phải chịu hoàn toàn chi phí phát sinh…

Kiến nghị xử lý hình sự

Những giải pháp mà Vụ Vận tải đưa ra, theo ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ GTVT,  mới chỉ xử lý phần ngọn. Cái gốc của vấn đề vẫn là sự vào cuộc của chính quyền địa phương cũng như hệ thống chính sách pháp luật. “Chúng ta không thể cứ mãi bố trí người chạy ngoài đường để kiểm tra, xử phạt được mà phải có chính sách ràng buộc trách nhiệm của chủ hàng, chủ xe, lái xe và người xếp dỡ. Cùng với đó là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chức năng địa phương. Địa phương có xe quá tải,  các Sở GTVT có biết không, đăng kiểm có nắm được không?”, ông Đinh La Thăng đặt vấn đề.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhìn nhận, lãnh đạo các tỉnh, thành phố và Sở GTVT địa phương cũng như lực lượng đăng kiểm đều nắm được tình trạng xe quá tải ở địa phương mình. Vấn đề là có xử lý nghiêm hay không mà thôi. “Đã có sự buông lỏng quản lý trong khoảng thời gian dài. Tổng cục  Đường bộ kiến nghị xử lý thật nghiêm hành vi chở hàng hóa quá tải trọng cho phép. Thậm chí, với những xe chở hàng quá 200% tải trọng, cần chuyển sang xử lý hình sự. Nếu chúng ta không làm nghiêm, nhà xe rất dễ tái phạm”, ông Nguyễn Văn Huyện đề xuất.  

Đồng tình với các ý kiến, biện pháp nêu trên, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, Bộ GTVT và Bộ Công an sẽ tiếp tục siết chặt quản lý tải trọng xe. Bộ trưởng Đinh La Thăng nói: “Chúng ta không đánh trống bỏ dùi! Cần chuẩn bị đủ nhân lực để làm lâu dài, xóa tan nghi ngờ của người dân và doanh nghiệp vận tải về chủ trương này. Không thể để tình trạng người chấp hành tốt quy định của Nhà nước chịu thiệt thòi, còn người vi phạm lại hưởng phần hơn.  Tất cả các trường hợp vi phạm chở quá số người quy định thời gian qua đều phải xử lý nghiêm. Đặc biệt, phải rút giấy phép kinh doanh với những trường hợp chống trả lực lượng chức năng”. 

“Xe khách chở quá số người quy định 3 lần thì khác nào hành vi giết người? Không chỉ có vậy, nhà xe còn chống đối, tấn công lực lượng thực thi công vụ. Chúng ta sẽ phải xử lý để đảm bảo tính răn đe và tính nghiêm minh của pháp luật. Cần bắt đúng bệnh để trong năm 2015 cơ bản không còn xe chở quá tải”, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhấn mạnh.