Đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu

ANTD.VN - Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, trình phương án giảm thêm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu ở mức phù hợp.

Giảm thuế bảo vệ môi trường mặt hàng xăng dầu để chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp

Theo Bộ Công Thương, tỷ trọng thuế, phí trong giá xăng dầu hiện ở mức cao (khoảng 55% - 60% đối với mặt hàng xăng, 35% - 40% đối với mặt hàng dầu). Trong đó, thuế bảo vệ môi trường chiếm khoảng 32% đối với mặt hàng xăng và từ 11% - 20% đối với mặt hàng dầu.

Trước ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, tiêu thụ xăng dầu giảm mạnh, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, trình phươn án giảm thuế này đối với mặt hàng xăng dầu.

Đặc biệt là xem xét điều chỉnh giảm thêm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng sinh học E5RON92 cho phù hợp với thực tế, để tạo mức chênh lệch giá và khuyến khích sử dụng xăng sinh học.

Hiện tại, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sinh học E5 RON 92 đang ở mức 3.800 đồng/lít, việc tính thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sinh học E5 bằng 95% mức thuế bảo vệ môi trường của xăng khoáng RON92 như hiện nay là chưa phù hợp.

Bộ Công Thương cho rằng: “xăng E5 RON 92 có 95% là xăng RON 92 và 5% là ethanol. Không nên một cách cơ học lấy 95%, chỉ khác nhau 5% mà phải đánh giá dựa vào mức độ khí phát thải khi sử dụng xăng E5”.

Theo kết quả các nghiên cứu đã được thực hiện, việc sử dụng xăng E5 RON 92 giảm đáng kể các khí thải gây ô nhiễm môi trường như khí CO (giảm 27,76%), HC (giảm 16,23%),... so với các loại xăng khoáng thông thường. Vì vậy, cần cân nhắc đưa ra mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng E5RON92 dựa theo mức độ phát thải (75 - 80%) mức thuế đối với xăng khoáng.

Cũng theo Bộ Công Thương, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tiêu thụ xăng dầu giảm mạnh, tồn kho của các doanh nghiệp đang ở mức cao.

Theo ước tính của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, lượng tiêu thụ xăng dầu giảm khoảng 30% so với trước. Lượng tồn kho xăng dầu này ngoài việc làm phát sinh chi phí lưu kho còn gây ra thiệt hại lớn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khi giá xăng dầu thế giới liên tục giảm thời gian vừa qua (Nhà nước điều hành giá xăng dầu theo giá thế giới nên các doanh nghiệp phải bán theo mức giá giảm như giá trên thị trường Singapore).

“Trong giai đoạn hiện nay, cần có cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cung cấp liên tục cho thị trường, phục vụ đời sống, sản xuất của người dân”- Bộ Công Thương cho hay.