Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam: Nỗi lo… cạnh tranh không lành mạnh!

ANTD.VN - Đầu tư nước ngoài không chỉ đóng góp gần 20% vào GDP quốc gia, mà còn là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho đầu tư phát triển với tỷ trọng khoảng 23,7% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài vẫn luôn cố gắng phát huy thế mạnh và tạo ra sản phẩm, dịch vụ ngày một tốt hơn thì các doanh nghiệp truyền thống trong nước lại cố tình ‘bắt bẻ’ và làm xấu đi môi trường kinh doanh.

Cố tình đánh tráo để bôi xấu

Kinh tế hội nhập, các nguồn lực đầu tư nước ngoài đã đóng góp một vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước, tạo ra cơ hội nghề nghiệp cho lực lượng người lao động ngày càng tăng… Chỉ tính riêng ở lĩnh vực công nghệ, hầu hết các ‘ông lớn’ đều đã có mặt và dành những khoản đầu tư cực lớn vào thị trường Việt Nam, tạo ra tiền đề cho sự phát triển công nghiệp 4.0 và hội nhập kỷ nguyên công nghệ toàn cầu.

Trong số đó, các hãng gọi xe công nghệ như Grab, Go-Viet, Be hay trước đây có Uber chính là những nhân tố góp phần vào sự phát triển của lĩnh vực công nghệ. Đặc biệt, các hãng này còn cung cấp đa dịch vụ tích hợp trên một nền tảng duy nhất như siêu ứng dụng Grab với hàng loạt dịch vụ từ di chuyển, giao hàng, giao thức ăn, thanh toán tài chính…

Sự xuất hiện của các nhà cung cấp ứng dụng gọi xe công nghệ khiến cạnh tranh trong lĩnh vực vận tải ngày càng nóng lên.

Trong lúc các nhà cung cấp dịch vụ gọi xe qua ứng dụng công nghệ không ngừng tự nâng cấp để phát triển những dịch vụ chất lượng với nhiều lợi ích cho người dùng thì những thách thức từ cạnh tranh không lành mạnh từ các doanh nghiệp truyền thống lại đặt ra những nỗi lo lớn về những rủi ro đầu tư, bất chập luật cạnh tranh quốc tế thời có WTO; TTTP…

Không chấp nhận bị chia sẻ thị trường, một số doanh nghiệp taxi truyền thống, Hiệp hội vận tải... cố tình bêu xấu đối thủ.

Thực tế, các hành vi bôi xấu dường như đang cố tình hiểu sai bản chất, một động thái cạnh tranh được xem là không lành mạnh. Theo Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ kết nối và quản lý hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng được Bộ GTVT ban hành tại Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 (Quyết định 24), GrabCar được triển khai dịch vụ này tại 5 tỉnh, thành phố được thí điểm là Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh.

Đến nay, mặc dù thời điểm thí điểm xe hợp đồng ứng dụng công nghệ đã kết thúc thời gian thí điểm, nhưng Bộ GTVT lại chưa chỉnh sửa xong Nghị định 86/CP để ban hành, tạo hành lang pháp lý cho mô hình vận tải này hoạt động.

Vì vậy, Chính phủ cũng đã có văn bản cho ý kiến, hoạt động của GrabCar và các đơn vị tham gia thí điểm theo đề án 24 sẽ tiếp tục hoạt động cho đến khi có Nghị định mới, thay thế Nghị định 86 ra đời.

Bất chấp câu chuyện hợp pháp đầu tư, một số doanh nghiệp taxi truyền thống và Hiệp hội vận tải cố tình đánh tráo khái niệm giữa các dịch vụ GrabCar với dịch vụ GrabTaxi – mô hình dịch vụ kết nối, đã được hoạt động và mở rộng trên cả nước theo quy định của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về Thương mại điện tử.

Mục tiêu của hành vi này nhằm “tố” Grab hoạt động vi phạm Đề án 24 của Bộ GTVT, tổ chức hoạt động vượt ra phạm vi 5 tỉnh, thành phố được phép thí điểm.

Chiêu trò thiếu lành mạnh

Bày tỏ về hành động không đẹp này của một số hãng taxi truyền thống và Hiệp hội vận tải địa phương, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng, việc các doanh nghiệp taxi truyền thống cũng như một số Hiệp hội taxi địa phương cố tình đánh tráo khái niệm giữa GrabTaxi và GrabCar để “tố” Grab hoạt động sai là một sự cạnh tranh không lành mạnh, hành động không “đẹp”, thậm chí vi phạm Luật cạnh tranh theo kiểu “cố tình bêu xấu” doanh nghiệp khác. “Nếu Grab chứng minh được những thông tin này sai sự thực, gây hậu quả xấu, gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì hoàn toàn có thể kiện ra tòa”- Luật sư Đức đề xuất.

Cạnh tranh không lành mạnh, cố tình nói xấu “đối thủ” không có căn cứ… khiến hình ảnh thị trường Việt Nam bị méo mó. Không những vậy, tình trạng này diễn ra sẽ khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài có cái nhìn thiếu thiện cảm với thị trường Việt Nam.

Việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đang cho thấy sự thiếu công bằng, đi ngược lại với luật cạnh tranh quốc tế, gây nhiều rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài, khiến thế giới mất niềm tin vào Việt Nam.

Một số Hiệp hội cố tình nhân danh tổ chức, mục đích bảo vệ doanh nghiệp để cố tình méo mó, dùng cách đánh giá sai lệch, cố tình không  phân định rõ về dịch vụ, tiếp tay cho các doanh nghiệp nội địa có cơ hội thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại về tiền của, uy tín cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Về việc bị các đối thủ liên tục bêu xấu, về khía cạnh pháp lý, luật sư Trần Minh Hùng - Đoàn Luật sư TP.HCM cho hay, tại Việt Nam có nhiều chiêu trò cạnh tranh “không đẹp” trực tiếp và gián tiếp đánh đối thủ bất chấp pháp luật, gây áp lực với các cơ quan quản lý nhà nước.

Đồng thời, có thể gây mất trật tự xã hội, mất niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài vì vậy Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương có vai trò, trách nhiệm xử lý, giải quyết các vấn đề này. Ngoài ra, tòa án cũng có thẩm quyền giải quyết các vụ án tranh chấp về cạnh tranh hay hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Ông Hùng cho rằng, theo quy định doanh nghiệp, hiệp hội được quyền có ý kiến, đề xuất nhưng không được dùng các thủ đoạn, phương pháp, lôi kéo… để gây áp lực hay can thiệp vào các quyết định quản lý Nhà nước.

“Các hiệp hội, các doanh nghiệp taxi truyền thống liên tiếp đưa ra những thông tin cố tình "đánh lận con đen" về hoạt động của các đối thủ ngoại tại Việt Nam cho thấy cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đang thiếu sòng phẳng. Các hành vi này gây nhiều rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài và đi ngược lại với luật cạnh tranh quốc tế”, ông Hùng nói.