"Cởi trói" tốc độ là cần thiết!

ANTĐ - Từ 1-3, tốc độ lưu thông của các loại phương tiện cơ giới đường bộ được “nới” thêm 10km/h so với quy định trước đây. Trong bối cảnh hạ tầng được đầu tư hiện đại hơn và chất lượng phương tiện được đảm bảo thì việc “nới” tốc độ là hợp lý. Song, ý thức của người tham gia giao thông vẫn là yếu tố quyết định việc giảm tai nạn và ùn tắc giao thông.

"Cởi trói" tốc độ là cần thiết! ảnh 1

Phương tiện được chạy với tốc độ nhanh hơn 10km/h so với trước đây

Bỏ gần hết biển giới hạn tốc độ

Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở GTVT đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra GTVT, các phòng nghiệp vụ liên quan kiểm tra, rà soát tất cả các tuyến đường nằm trong diện sẽ “nới” tốc độ. Theo đó, đến thời điểm hiện tại, toàn bộ các tuyến đường từ Vành đai 3 trở vào trung tâm thành phố đã không còn biển báo giới hạn tốc độ mà thay bằng biển báo nguy hiểm hoặc đi chậm.

Còn tại các tuyến đường ngoại thành như Quốc lộ 21, lực lượng chức năng hiện đang rà soát và sẽ thay thế. Dự kiến, toàn bộ các biển giới hạn tốc độ trên QL21 sẽ được thay trong tuần này. Theo ông Nguyễn Xuân Tân, lực lượng chức năng sẽ xác định các vị trí cần cắm biển thông báo như “nguy hiểm”, “đi chậm” rồi lấy ý kiến của các ngành chức năng địa phương, sau khi thống nhất mới thực hiện việc cắm biển.

Liên quan đến việc “nới” tốc độ trên đường Vành đai 3 trên cao từ 80km/h lên 90km/h theo như đề nghị của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và phù hợp với quy định tại Thông tư 91 Bộ GTVT, ông Nguyễn Xuân Tân nhận định: “Về cơ bản, việc nâng tốc độ ở tuyến đường này không có gì khó khăn. Tuy nhiên, Sở GTVT đang trình UBND TP cho phép bảo trì, duy tu một số hạng mục như khe co giãn để mặt đường êm thuận, đảm bảo ATGT cho các phương tiện lưu thông”.

Tại một số vị trí như xuống dốc, đường tách/nhập làn Sở GTVT sẽ cắm biển đi chậm để cảnh báo, nhắc nhở người tham gia giao thông. Trả lời câu hỏi, trong thời gian chờ Sở GTVT sửa chữa, duy tu một số hạng mục, lái xe “lỡ” đi tốc độ 90km/h thì có bị xử phạt, ông Nguyễn Xuân Tân thông tin: Mật độ phương tiện trên tuyến này rất cao, lái xe nên tùy thuộc tình hình để chạy xe cho phù hợp. Và lực lượng chức năng sẽ không xử phạt nếu chạy đến 90km/h.

Tốc độ cao - ý thức cũng phải cao

Việc “nới” tốc độ cho các phương tiện cơ giới đường bộ nhận được nhiều đồng tình từ phía người dân. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, những năm qua, khi hàng trăm nghìn tỷ đồng đã “rót” vào hạ tầng giao thông thì việc “cởi trói” tốc độ là cần thiết. Anh Nguyễn Quốc Huy ở Mai Động, Hoàng Mai bày tỏ: “Rất nhiều đoạn đường thông thoáng, dân cư thưa nhưng lại bị hạn chế tốc độ dưới 50km/h khiến người lái xe khá ức chế. Nay, tốc độ đã được điều chỉnh tăng lên, điều này là phù hợp với quy luật phát triển của xã hội”. 

Đánh giá về khả năng thông thoáng khi phương tiện được “cởi trói” tốc độ, Thiếu tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội tuyên truyền và khám nghiệm, điều tra TNGT, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội cho biết, Thông tư 91 mới có hiệu lực từ 1-3, do đó cần phải có thời gian thực tế để đánh giá, kiểm nghiệm hiệu quả cũng như tác động của thông tư này đến công tác đảm bảo ATGT trên địa bàn Thủ đô cũng như cả nước.

“Đành rằng hạ tầng giao thông trên nhiều tuyến đường đã được nâng cấp song vẫn còn không ít nơi chất lượng đường sá vẫn chưa đạt tiêu chuẩn. Đó còn là chưa kể đến mật độ phương tiện tham gia giao thông ngày càng đông, ý thức chấp hành Luật Giao thông của một số người dân, nhất là ở những khu vực ngoại thành vẫn còn thấp. Nếu người điều khiển phương tiện chạy tốc độ cao, không làm chủ tốc độ, những nguy cơ xảy ra TNGT tiềm ẩn rất lớn”, Thiếu tá Vũ Văn Hoài bày tỏ ý kiến.

Còn ông Nguyễn Xuân Tân - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, việc “nới” tốc độ chắc chắn sẽ giúp giao thông thông thoát hơn, song cũng cần phải cảnh báo người tham gia giao thông phải chấp hành Luật Giao thông, đi đúng làn đường, đúng tốc độ, đặc biệt không chạy tốc độ thấp ở làn đường có tốc độ cao nhất. “Người dân có ý thức chấp hành tốt Luật Giao thông thì chắc chắn tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô sẽ được cải thiện”.