Có ứng dụng tra cứu vi phạm giao thông: Lái xe sẽ có trách nhiệm hơn

ANTD.VN - Chỉ với một chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh, dù ở bất kỳ đâu, bạn cũng có thể biết được chiếc xe của mình có vi phạm Luật Giao thông hay không. Sự tiện lợi này có được nhờ quá trình hợp tác bền bỉ, trách nhiệm của Cục CSGT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Người dân có thể tra cứu lỗi vi phạm ô tô, xe máy bằng cách nhập biển số xe

Không chỉ phục vụ nhân dân, ứng dụng tra cứu xe vi phạm trên website của Cục CSGT còn giúp cho công tác quản lý Nhà nước liên quan đến cấp, đổi giấy phép lái xe, xử lý xe vi phạm thêm chặt chẽ, tăng tính giám sát, chế tài đối với lái xe vi phạm.

Thêm kênh thông tin tra cứu

Ứng dụng này được tích hợp ngay trên trang http://www.csgt.vn của Cục Cảnh sát giao thông và người dân có thể tra cứu lỗi vi phạm của ô tô, xe máy bằng cách nhập biển số xe. Nhờ đó góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác thông tin mà người dân, chủ phương tiện chính là đối tượng được thụ hưởng nhiều nhất.

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó trưởng Phòng Tuyên truyền hướng dẫn pháp luật ATGT (Cục CSGT) cho biết: “Tất cả người dân đều có thể truy cập vào website của Cục CSGT để tra cứu thông tin về mọi chiếc xe mà họ quan tâm xem nó có nằm trong danh sách vi phạm hay không. Ứng dụng được xây dựng hết sức thân thiện, căn bản, giúp cho người dân ở bất cứ trình độ nào cũng dễ dàng sử dụng được. Trong trường hợp phương tiện nằm trong danh sách vi phạm, thông qua việc tra cứu, người dân sẽ biết được địa điểm, số điện thoại liên hệ của các đơn vị công an để giải quyết vi phạm”.

“Tất cả người dân đều có thể truy cập vào website của Cục CSGT để tra cứu thông tin về mọi chiếc xe mà họ quan tâm xem nó có nằm trong danh sách vi phạm hay không. Ứng dụng được xây dựng hết sức thân thiện, căn bản, giúp cho người dân ở bất cứ trình độ nào cũng dễ dàng sử dụng được. Trong trường hợp phương tiện nằm trong danh sách vi phạm, thông qua việc tra cứu, người dân sẽ biết được địa điểm, số điện thoại liên hệ của các đơn vị công an để giải quyết vi phạm”.

Để xây dựng được phầm mềm và đưa vào thực hiện, trước đó Cục CSGT đã phải mất khá nhiều thời gian chuẩn bị. Bên cạnh đó, không thể không nói đến sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng trong đó có Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Trước đó, chiều 25-3, trong cuộc họp báo quý I của Bộ Công an, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng - Cục trưởng Cục CSGT cho biết: “Bộ Công an và Bộ GTVT đã thống nhất cao trong việc chia sẻ dữ liệu lái xe vi phạm giao thông và giấy phép lái xe bị tạm giữ, chậm nhất 1-6 sẽ kết nối”.

Để phần mềm được “chạy” đúng tiến độ, trước đó những vi phạm của lái xe đã được các đơn vị tổng hợp, gửi đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông các địa phương để cập nhật. Trường hợp nào vi phạm đã bị tước bằng lái nhưng cố tình báo mất để được cấp lại cũng sẽ bị phát hiện. Sau khi kết nối, thông tin về phương tiện, lái xe vi phạm sẽ được cả Cục CSGT và Tổng cục Đường bộ chia sẻ để quản lý hiệu quả hơn.

Ứng dụng tra cứu vi phạm trên website giúp công tác quản lý Nhà nước liên quan đến cấp, đổi giấy phép lái xe... thêm chặt chẽ

Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước

Theo dõi sát sao những thông tin được cập nhật lên hệ thống, Đại tá Nguyễn Thanh Bình - Cục trưởng Cục CSGT không khỏi vui mừng bởi số lượng người truy cập ngày càng nhiều. Điều đó chứng tỏ rằng, sự quan tâm của người dân đến phần mềm tra cứu là rất lớn, cũng như ý thức trách nhiệm của chủ phương tiện, lái xe ngày một nâng cao. Thống kê của Cục CSGT cho thấy, qua hơn 10 ngày hoạt động, đến nay CSGT trên toàn quốc đã cập nhật hơn 20.000 trường hợp vi phạm, trong đó có trên 16.400 lái xe bị tạm giữ, tước giấy phép lái xe, trên 3.800 xe vi phạm bị hệ thống camera phát hiện.

Nhìn nhận câu chuyện ở góc độ quản lý Nhà nước liên quan đến việc xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp lái xe vi phạm, Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội CSGT số 1, Phòng CSGT (CATP Hà Nội) cho biết, thời gian qua, đơn vị phát hiện hàng nghìn trường hợp vi phạm Luật Giao thông ở tất cả các loại hình phương tiện. Nếu như với ô tô, khi vi phạm hầu như lái xe đều đến làm thủ tục giải quyết, thì xe máy lại là phương tiện mà người điều khiển thường hay “quên” nhất. Khi bị CSGT xử phạt tước giấy phép lái xe, nhiều lái xe máy đã “bỏ của chạy lấy người”, không chịu đến nộp phạt.

“Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, trong đó phải kể tới việc cấp, đổi giấy phép lái xe hiện nay của các cơ quan chức năng quá dễ dàng. Chúng ta vẫn thường nói đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cho nhân dân, tuy nhiên, song song với đó phải là những biện pháp ràng buộc trách nhiệm, cơ chế kiểm tra, giám sát với những thủ tục cấp giấy phép để người dân không lợi dụng chính sách hay “lách” quy định” - Trung tá Thiều Mạnh Ngọc nêu quan điểm.

Trung tá Lê Văn Tiến, Đội trưởng Đội CSGT số 14 (Phòng CSGT, CATP Hà Nội) thông tin thêm, nhiều người điều khiển xe máy khi bị CSGT lập biên bản xử phạt, tạm giữ giấy phép lái xe cũng bỏ luôn phương tiện không đến giải quyết. Hồ sơ về những giấy phép lái xe bị bỏ tại đơn vị khá nhiều và CSGT phải rất vất vả trong việc tra cứu, xử lý số hồ sơ này. Qua thực tế tuần tra kiểm soát, CBCS của đơn vị đã phát hiện  nhiều trường hợp lái xe dù đã bị CSGT tước giấy phép lái xe, song họ vẫn có giấy phép lái xe khác.

Qua điều tra xác minh phát hiện, họ đã lấy cớ mất rồi mang hồ sơ xin đi cấp giấy phép lái xe khác. Điều này không những gây thất thoát nguồn tài nguyên số cho cơ quan quản lý, mà còn tạo ra kẽ hở cho những đối tượng vi phạm cố tình không chấp hành.

“Khi kết nối dữ liệu về phương tiện vi phạm trên Cục CSGT với Tổng cục Đường bộ Việt  Nam, không chỉ lái xe biết được tình trạng của phương tiện như thế nào, mà cơ quan quản lý trong đó có Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ xác định rõ những đối tượng xin cấp lại giấy phép lái xe có đủ điều kiện hay không. Điều này chắc chắn sẽ làm giảm đi tình trạng gian dối của không ít lái xe hiện nay. CBCS thực thi nhiệm vụ ngoài đường cũng có thể dễ dàng kiểm tra được xem giấy phép lái xe và phương tiện đó trong tình trạng nào”- Thượng tá Phạm Văn Hậu, Phó trưởng Phòng CSGT (CATP Hà Nội) đánh giá.