Có nên “đẻ” thêm một loại giấy phép lái xe?

ANTĐ - Trước phương án cấp GPLX ô tô số tự động cho các đối tượng không có nhu cầu học và lấy bằng lái xe số sàn Bộ GTVT vừa đưa ra, có ý kiến ủng hộ nhưng cũng không ít người cho rằng, không cần phải “đẻ” thêm một loại GPLX ô tô nữa.

Có nên “đẻ” thêm một loại giấy phép lái xe? ảnh 1Còn nhiều tranh cãi xung quanh việc cấp GPLX ô tô  tự động

Bộ GTVT vừa đưa ra phương án cấp giấy phép lái xe (GPLX) ô tô số tự động cho các đối tượng không có nhu cầu học và lấy bằng lái xe số sàn. Xung quanh chủ trương này, có ý kiến ủng hộ nhưng cũng không ít người cho rằng, không cần phải “đẻ” thêm một loại GPLX ô tô nữa.

Đáp ứng trào lưu

Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng cục đã giao các đơn vị nghiên cứu sửa đổi Thông tư 46/2012 của Bộ GTVT (quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ), đồng thời nghiên cứu thêm về thông lệ quốc tế về việc cho phép người dân lựa chọn thi lấy GPLX số tự động.

Theo thông tư sửa đổi, ngoài các loại bằng hiện có, sẽ có thêm loại bằng mới ghi rõ loại xe số tự động. “Ngày càng nhiều người dân có nhu cầu sử dụng xe số tự động nên ngành giao thông vận tải đã nghiên cứu sửa đổi Thông tư 46. Người có GPLX loại này sẽ không được lái xe số sàn, nếu cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt”, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết. Thời gian học và chi phí lấy GPLX số tự động cũng sẽ giảm so với bằng lái xe thông thường.

Ông Nguyễn Văn Thạch – Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho rằng, người dân có quyền lựa chọn thi loại GPLX nào phù hợp. Song, người thi lấy GPLX lái xe số tự động sẽ phải chấp nhận việc một số nước không thừa nhận loại bằng lái xe này bởi số lượng các nước áp dụng quy định cấp riêng GPLX xe số tự động chưa nhiều.  “Bộ GTVTcó thể xem xét không quy định hạng GPLX riêng, nhưng trên GPLX có ghi điều kiện hạn chế phạm vi hoạt động như của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Pháp”, ông Nguyễn Văn Quyền đề xuất.

Đại diện một trung tâm đào tạo lái xe lớn trên địa bàn Hà Nội cho rằng, cấp GPLX ô tô số tự động là bắt kịp trào lưu hiện nay. Việc đào tạo sát hạch lái xe số sàn khó hơn, rất nhiều người đã biết lái xe số tự động nhưng khi thi lấy GPLX (số sàn) vẫn trượt. Tuy nhiên, theo đại diện một số trung tâm sát hạch lái xe, Bộ GTVT nên có lộ trình để các trung tâm đầu tư trang thiết bị, xe vì kinh phí ước tính không nhỏ. 

Cần nghiên cứu thấu đáo

Dưới góc độ chuyên gia, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, lái xe chuyên nghiệp đều phải học qua số sàn. “Nguyên lý học lái xe nên học số sàn trước, sau đó mới chuyển sang số tự động, nếu học số tự động xong chuyển sang lái số sàn sẽ rất nguy hiểm”, ông Bùi Danh Liên bày tỏ.

Do vậy, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, không nên quy định 2 loại bằng lái xe. Với bất kỳ đối tượng nào, muốn học và thi lấy GPLX thì bắt buộc phải học số sàn trước, sau đó sẽ bổ túc thêm thời gian học số tự động. Như vậy, người dân sử dụng một loại bằng nhưng lái được cả 2 loại xe (số sàn và số tự động).

Với phương án này của Bộ GTVT, không ít người cho rằng, Bộ GTVT đang chiều theo dư luận. “Một người đã được đào tạo bài bản bằng xe số sàn thì không có lý do gì mà không lái được xe số tự động. Dù rằng hiện nay, xe ô tô đa phần là số tự động, nhưng đào tạo cấp GPLX có liên quan đến ATGT, đến tính mạng của hàng chục triệu người tham gia giao thông, nếu cứ chiều theo ý muốn của thiểu số thì chính sách sẽ trở thành dễ dãi”, một kỹ sư trong ngành ô tô bày tỏ.

Đào tạo lái xe ô tô số sàn đã thực hiện từ nhiều năm nay và người dân cũng đã quen với việc này. Phương án cấp GPLX xe số tự động của Bộ GTVT dù đáp ứng thực tiễn nhưng cần nghiên cứu, xem xét thấu đáo ý kiến của các ngành liên quan, đặc biệt là các địa phương, các trung tâm đào tạo sát hạch lái xe chứ không nên áp đặt.

Ngày 13-5, Trung tâm dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô (Bắc Ninh) đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT về chủ trương  thí điểm đào tạo, sát hạch lái xe ô tô số tự động dưới 9 chỗ cho những người không hành nghề lái xe. 

Theo đó, lãnh đạo Trung tâm này kiến nghị Bộ GTVT cho phép xây dựng đề án, đào tạo thí điểm, sát hạch trong khoảng thời gian 6-12 tháng, đủ thời gian để đánh giá rút kinh nghiệm, tránh những lãng phí không cần thiết.