Chuyên gia kinh tế thất vọng vì Bộ Giao thông mãi chưa định danh được xe công nghệ

ANTD.VN -Tại bản Dự thảo Nghị định 86 về kinh doanh  vận tải được Bộ GTVT trình Chính phủ lần 9, Bộ này vẫn kiên quyết phải "gắn mào" cho xe công nghệ.

Bộ GTVT vừa trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh vận tải lần thứ 9. Tuy vậy, tại bản Dự thảo này, Bộ GTVT vẫn loay hoay với các vấn đề còn gây tranh cãi, dù đã có chỉ đạo của Chính phủ.

Dự thảo lần 9 vẫn "bình mới rượu cũ"

Trước đó, ngày 29/5/2019, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận ý kiến chỉ đạo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi do Bộ GTVT chắp  bút vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, còn nhiều ý kiến khác nhau đối với một số nội dung trọng yếu; một số nội dung chưa phù hợp với pháp luật hiện hành, điển hình là Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao dịch điện tử…”, “một số nội dung chưa nhận được sự đồng tình của các Bộ, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp”.

Ngày 14/6/2019 vừa qua, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và trình Dự thảo lần thứ 9. Song, nội dung Dự thảo lần này vẫn chưa đạt yêu cầu do Phó Thủ tướng đặt ra, còn nặng nề về thủ tục hành chính, cũng như thể hiện tư duy quản lý còn lạc hậu, không thực tế.

9 lần trình Dự thảo Nghị định 86 nhưng Bộ GTVT vẫn khá loay hoay

Dự thảo vẫn chưa xử lý được hai vấn đề tiếp tục gây tranh cãi gần đây là dịch vụ kết nối giữa lái xe và hành khách được phân loại là dịch vụ gì; và xe hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng ứng dụng kết nối với hành khách qua thiết bị di động có cần phải gắn đèn taxi trên nóc xe hay không?.

Theo đó, Dự thảo Nghị định lần 9 của Bộ GTVT gần như không có điểm nào mới, nổi bật so với lần trình thứ 8 trước đó.

Dự thảo lần 9 vẫn chồng chéo khái niệm và cơ quan quản lý ứng dụng kết nối vận tải. Như, với cùng một loại hình dịch vụ ứng dụng kết nối, đặt xe trên thị trường (như Grab, FastGo, Go-Viet, Be), dự thảo Nghị định đưa ra đến 3 khái niệm và quy định khác nhau do 3 Bộ quản lý (chưa kể các cơ quan quản lý chuyên ngành khác), bao gồm: kinh doanh vận tải (do Bộ GTVT quản lý), thương mại điện tử (do Bộ Công Thương quản lý), và nền tảng công nghệ (do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý). Điều này gây nên sự chồng chéo nghiêm trọng, khó hiểu cũng như khó thực thi cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Cũng tại Dự thảo Nghị định lần 9 này, Bộ GTVT đã bổ sung khái niệm về kinh doanh xe taxi và yêu cầu xe hợp đồng chuyển đổi sang loại hình taxi.

Cụ thể, Dự thảo nêu, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là việc sử dụng xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) để vận chuyển hành khách, có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách; cước chuyến đi được tính theo đồng hồ tính tiền hoặc tính theo phần mềm đặt xe kết nối với hành khách thông qua môi trường mạng.

Cùng với đó, toàn bộ các xe ô tô dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng sử dụng phần mềm để tính tiền, đặt xe, hủy chuyến đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì phải thực hiện cấp đổi phù hiệu xe taxi và thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh của xe taxi.

Bên cạnh đó, Dự thảo lần 9 vẫn tiếp tục quy định lắp hộp đèn nóc đối với tất cả các loại xe dưới 9 chỗ ngồi sử dụng ứng dụng kết nối với hành khách: Toàn bộ các xe ô tô dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, theo hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử, xe du lịch sử dụng hợp đồng điện tử phải có hộp đèn gắn cố định trên nóc xe, kích thước hộp đèn tối thiểu 12 x 30 cm.

Trong khi đó, tại văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ngày 29/5 đã yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu kỹ về vấn đề “gắn mào” cho xe công nghệ. Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT cần nghiên cứu kỹ, toàn diện việc quy định gắn cố định hộp đèn trên nóc xe (đặc biệt lưu ý đến tâm lý, văn hóa của người thuê xe, lái xe, chủ xe… khi phải gắn cố định hộp đèn trên nóc xe).

Khuyến khích một đằng, quy định một nẻo

Về Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi lần 9, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long chia sẻ, ông đã theo dõi quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định này từ rất lâu, đã trực tiếp tham dự nhiều hội thảo góp ý và gửi ý kiến chính thức đến cơ quan soạn thảo, song dự thảo Nghị định lần này thực sự đáng thất vọng.

Đến nay đã qua nhiều vòng trình dự thảo lên Chính phủ, chưa kể vô số những dự thảo không chính thức khác mà các quy định quản lý vẫn “rối như canh hẹ”.

“Mặc các đơn vị, chuyên gia ra sức góp ý, đề xuất các nội dung quản lý cho phù hợp với tình hình mới ra sao, thì Ban soạn thảo vẫn kiên trì gọi các ứng dụng kết nối hiện nay là kinh doanh vận tải với lý do là “đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng” theo đúng ý kiến của các Hiệp hội vận tải, Hiệp hội taxi”- chuyên gia Ngô Trí Long nhìn nhận.

Cũng theo chuyên gia Ngô Trí Long, cách tiếp cận chính sách vẫn kiểu “quay lưng” với thời đại. Việc phân biệt đối xử với xe ứng dụng công nghệ, quàng thêm các quy định cho công nghệ như Dự thảo lần này là hoàn toàn đi ngược với chủ trương của Chính phủ, ngược với tuyên bố của chính Ban soạn thảo là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành vận tải.

Cùng bày tỏ về Dự thảo lần này, chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng cho hay: “Tôi thấy dự thảo Nghị định đưa ra hai đề xuất không hợp lý. Thứ nhất, bắt xe sử dụng kết nối ứng dụng phải gắn hộp đèn trên nóc và yêu cầu các hãng cung cấp dịch vụ gọi xe chuyển đổi sang kinh doanh vận tải.

Việc bắt gắn mào xe là một yêu cầu vô lý gây lãng phí, vì khách gọi xe bằng điện thoại thông minh chứ không “vẫy” trên đường. Hãy nhớ rằng, ‘mào’ có đèn là để ‘vẫy bằng tay’’ và đèn là để nhận biết xe có khách hay không có khách: xe tắt đèn là có khách ở trong; bật đèn là xe trống, để khách dùng tay vẫy.

Còn nếu để thuận lợi cho cơ quan quản lý thì xe nào vi phạm đều bị xử phạt như nhau, không phải vì xe đeo mào hay không”.

Bên cạnh đó, Dự thảo yêu cầu một đơn vị công nghệ phải thêm gánh nặng quản lý vận tải nữa là trái với quy luật phát triển và xu thế quốc tế.

“Các quy định như thế này đi ngược lại xu hướng phát triển kinh tế chia sẻ; không khuyến khích doanh nghiệp sáng tạo và đổi mới; đi ngược lại hay chính định hướng của Chính phủ đã đặt ra”- chuyên gia Nguyễn Quang Đồng nhìn nhận.