Chưa có giải pháp “trị” đường hằn lún

ANTĐ - Ngành giao thông dày công truy nguyên nhân để tìm giải pháp trị tình trạng đường hằn lún. Nhiều đơn vị thi công có tiếng của ngành cam kết chất lượng tốt nhưng “bệnh” hằn lún mặt đường vẫn tái diễn. Minh chứng rõ nhất, Quốc lộ 1A nhiều đoạn mới hoàn thành, thậm chí chưa bàn giao đã lại hằn lún hàng cây số.
Chưa có giải pháp “trị” đường hằn lún ảnh 1

Hằn lún đường trên QL 1A nhiều đoạn khiến lái xe bức xúc

Lún cả chục cây số, đường thành rãnh

Nóng nhất về tình trạng hằn lún mặt đường hiện nay là QL 1A, một số đoạn như Ninh Bình - Hà Tĩnh, đoạn tránh TP Hà  Tĩnh, đoạn qua tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Bình Thuận… Đặc biệt là đoạn Ninh Bình - Hà Tĩnh, hằn lún kéo dài hàng chục cây số, gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông.

 QL 1A đoạn này được nâng cấp, mở rộng bao gồm 9 dự án vốn trái phiếu Chính phủ và 1 dự án vốn BOT với tổng chiều dài 275,6km (không bao gồm đoạn tuyến tránh TP Vinh và đoạn Nam Bến Thủy - tuyến tránh Hà Tĩnh). Đoạn qua địa phận tỉnh Ninh Bình bàn giao đưa vào khai thác từ tháng 9-2013, đoạn qua địa phận tỉnh Thanh Hóa đưa vào khai thác từ tháng 6-2014, đoạn từ Thanh Hóa - Hà Tĩnh bàn giao và đưa vào sử dụng từ ngày   31-1-2015. Ông Triệu Khắc Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, trong tháng 5 vừa qua, đoạn qua tỉnh Ninh Bình có chiều dài bị hằn lún phải xử lý cao nhất tới gần 9km trên tổng số 29,2km. 

Tương tự, đoạn qua tỉnh Nghệ An mặt đường những ngày qua cũng đã bị chảy nhựa, hằn lún cục bộ. Khu vực xuất hiện tình trạng chảy nhựa mặt đường kéo dài khoảng 100m qua địa bàn xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, mặt đường hằn vết bánh xe. Nhà thầu thi công đã phải dùng xe bồn tưới mặt đường song tình trạng không được cải thiện. Được biết, đoạn đường QL 1A qua Nghệ An do Sở GTVT tỉnh làm chủ đầu tư. Đoạn đường này vẫn đang trong thời gian bảo hành. 

Nghiêm trọng nhất hiện là đoạn tránh thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), các phương tiện lưu thông qua đây đều bức xúc vì đường như rãnh, xe phải giảm tốc độ. Dự án này dài hơn 80km do Sở GTVT Hà Tĩnh và Ban QLDA ATGT (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Còn đoạn nâng cấp QL1 qua Bình Thuận, những ngày qua Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cũng liên tiếp phải có văn bản yêu cầu chủ đầu tư khắc phục tình trạng hằn lún vệt bánh xe. 

Cần có thời gian nghiên cứu

Lo ngại về tình trạng này, Tổng Công ty Sông Đà đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất  điều chỉnh sử dụng vật liệu nhựa polymer cho bê tông nhựa lớp trên thuộc dự án xây dựng QL 1A đoạn tránh TP Hà Tĩnh. Đoạn đường này theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào tháng 9-2015. Nếu điều chỉnh, kinh phí xây dựng sẽ tăng thêm khoảng 10,2 tỷ đồng. “Nhà đầu tư/nhà thầu thi công cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm về chất lượng và thời gian bảo hành công trình 4 năm theo quy định”, ông Vũ Tuấn Hùng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Sông Đà cam kết.

Chia sẻ về việc này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhìn nhận: “Bộ GTVT đã lập Tổ công tác xử lý mặt đường hằn lún, đã mời các chuyên gia nhiều kinh nghiệm đang công tác cũng như đã nghỉ hưu để tìm giải pháp xử lý lún nứt đường nhưng vẫn chưa có lời giải. Một số chuyên gia của Nhật, Mỹ cũng được mời vào cuộc nhưng chưa giải quyết được thỏa đáng, dù nhà đầu tư, chủ thầu không phải năng lực kém. Thậm chí có chủ thầu, Ban quản lý còn cam kết không lún nứt trong vòng 5 năm nhưng giờ đã bị lún. Dự án làm đường hoàn thiện rồi tôi lại nơm nớp lo đường hằn lún”. 

Năm 2014, một số nguyên nhân dẫn đến hằn lún vệt bánh xe đã được truy ra như thời tiết, chất lượng nhựa đường, chất lượng thi công, xe quá tải trọng… Lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông bày tỏ, hằn lún mặt đường là vấn đề khó khăn của các nước trong vùng khí hậu nhiệt đới, bao gồm Việt Nam. “Nghiên cứu hằn lún vệt bánh xe cần có thời gian để tổng kết, đưa ra các giải pháp khắc phục”, ông Triệu Khắc Dũng cho hay.