Chủ xe container gây tai nạn thảm khốc ở Long An có bị xử lý hình sự?

ANTD.VN -Liên quan đến vụ lái xe Phạm Thành Hiếu điều khiển xe container gây tai nạn thảm khốc khiến 4 người chết và 18 người bị thương vào chiều 2-1, Công an tỉnh Long An đã ra quyết định khởi tố đối với lái xe này về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260 BLHS 2015) với mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù.

Về một số vụ việc lái xe container gây tai nạn thảm khốc, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, thực tế có nhiều lái xe không muốn chạy quá tải với cường độ làm việc liên tục trong nhiều ngày song do bị chủ xe ép chạy quá tải nên đã xảy ra tai nạn. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp chủ xe dù biết lái xe nghiện ma túy nhưng vẫn giao xe. Như vậy, trách nghiệm của chủ xe được xác định ra sao, ngoài trách nhiệm bồi thường, họ có phải liên đới chịu trách nhiệm hình sự?

Về vấn đề này, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, thực tế, quy định xử lý hình sự chủ phương tiện vận tải biết lái xe sử dụng ma túy nhưng vẫn điều động họ điều khiển phương tiện giao thông đường bộ đã được quy định rõ trong BLHS 2015.

Cụ thể, Điều 263 về Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ quy định, người có thẩm quyền mà biết rõ người không có giấy phép lái xe, không đủ sức khỏe, độ tuổi để điều khiển phương tiện, người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà vẫn điều động người đó điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-3 năm.

Hiện trường vụ tai nạn ở Long An

Song theo Luật sư Lê Hồng Vân, việc xử lý chủ phương tiện về tội danh này không đơn giản. Bởi, luật quy định chủ phương tiện phải biết rõ lái xe sử dụng chất ma túy nhưng vẫn điều động lái xe thì mới phạm tội, trong khi việc xác định họ có “biết rõ” hay không rất khó khăn.

Ngoài ra, BLHS 2015 cũng có các quy định để xử lý chủ phương tiện như: Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông (Điều 262); Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Điều 263); Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Điều 264).

Về trách nhiệm dân sự, theo Điều 601 BLDS 2015, trong trường hợp lái xe gây tai nạn, chủ xe phải bồi thường thiệt hại do xe mình gây ra. Trường hợp chủ xe đã giao cho người khác (lái xe) chiếm hữu, sử dụng thì người này (lái xe) phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Nếu chủ xe có lỗi trong việc để xe của mình bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Có thể nói, sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lái xe sử dụng ma túy, chất kích thích tràn lan, gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng.

Được biết, hiện đã có các quy định bắt buộc tài xế khám sức khỏe định kỳ; đi học để cấp chứng chỉ về kỹ năng lái xe, đạo đức, chấp hành pháp luật; giới hạn thời gian được phép lái xe trong ngày thông qua “hộp đen” giám sát hành trình... nhưng hầu hết tài xế, chủ doanh nghiệp đều phớt lờ quy định này.

 “Để tránh xảy ra những vụ tai nạn thảm khốc tiếp theo, ngoài việc xem xét trách nhiệm xử lý hình sự chủ xe, chính quyền các địa phương cần yêu cầu các cơ sở có xe đầu kéo, thuê xe đầu kéo vận chuyển hàng hóa trên địa bàn phải cho lái xe ký cam kết không sử dụng các chất kích thích khi lái xe; nếu để xảy ra vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, các đơn vị vận tải phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe, trong đó có nội dung xét nghiệm ma túy. Bởi việc quản lý sử dụng lái xe thuộc trách nhiệm của đơn vị vận tải” – Luật sư Lê Hồng Vân đề xuất.