Chỉ định thầu dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam có đảm bảo tính cạnh tranh?

ANTD.VN - Nhiều chuyên gia bảy tỏ, việc chỉ định thầu các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam có thể sẽ làm giảm tính cạnh tranh cũng như tiềm ẩn một số nguy cơ. Đặc biệt, trong quá trình lựa chọn, nhà đầu tư nào sẽ được chỉ định thầu, dựa vào những tiêu chí nào?

Tiêu chí nào để được giao thầu?

Đại dự án cao tốc Bắc-Nam đang chờ Chính phủ trình Quốc hội để xin ý kiến về việc chuyển đổi 8 dự án thành phần sang hình thức đầu tư công nhưng không ít nhà thầu đã đánh tiếng “xin” được chỉ định thầu thi công.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại, việc chỉ định thầu có thể sẽ làm mất đi tính cạnh tranh cũng như tiềm ẩn một số nguy cơ. Đặc biệt, trong quá trình lựa chọn, nhà đầu tư nào sẽ được chỉ định thầu, dựa vào những tiêu chí nào?

Mới đây, Cienco 4 đã có kiến nghị gửi Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị được nhận thầu thi công 2 dự án thuộc cao tốc Bắc Nam là đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt.

Việc giao thầu cao tốc Bắc- Nam khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn về tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp

Theo lãnh đạo Cienco4, hiện Tập đoàn Cienco4 đã thực hiện đầu tư và đang thu phí hoàn vốn các dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1 Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cầu Giát (Nghệ An) và dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn Nam cầu Bến Thủy - tuyến tránh TP Hà Tĩnh theo hình thức BOT.

Trước đó, Bộ Quốc phòng cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan ưu tiên chỉ định thầu cho Tổng công ty xây dựng Trường Sơn được tham gia thi công các gói thầu thuộc 3 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc- Nam phía Đông dự kiến chuyển đổi theo hình thức đầu tư công. Ba dự án thành phần này gồm dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn – quốc lộ 45; quốc lộ 45 – Nghi Sơn và Phan Thiết – Dầu Giây.

Dù trên thực tế, Cienco4 hay Tổng công ty xây dựng Trường Sơn đều là những nhà thầu thi công có năng lực, có tiếng nhiều năm. Song, nếu chỉ định thầu sẽ vô tình làm giảm tính cạnh tranh trong lĩnh vực này cũng như cơ hội cho nhiều doanh nghiệp khác có năng lực, muốn tham gia.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bày tỏ, ông ủng hộ phương án đấu thầu chọn nhà thầu trong nước nếu các dự án cao tốc sử dụng vốn ngân sách. Bởi việc đấu thầu minh bạch hơn chỉ định thầu và các dự án ngân sách cần đấu thầu theo quy định Luật đầu tư công. "Tôi nghĩ Quốc hội sẽ xem xét kỹ đề xuất này", ông Ngô Trí Long nói.

Để công tác đấu thầu nhanh, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, cần đẩy nhanh phê duyệt các thủ tục và đưa ra tiêu chí phù hợp để rút ngắn việc lựa chọn nhà thầu. Nếu áp dụng chỉ định thầu thì phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, nhà thầu được lựa chọn phải đáp ứng các tiêu chí về năng lực thi công, năng lực tài chính, kinh nghiệm.

Phương án nào cũng có ưu, nhược điểm

Dưới góc độ doanh nghiệp đầu tư cũng như từng thi công nhiều dự án đường bộ lớn, ông Vũ Đức Nhận, Phó Tổng giám đốc Công ty Phương Thành đánh giá, thủ tục chỉ định thầu nhanh nhất là mất 3 tháng, giảm được 2/3 thời gian so với đấu thầu.

Tuy nhiên, tính cạnh tranh, minh bạch không cao so với việc đấu thầu và tạo áp lực cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xét duyệt, hậu kiểm sau này.

Do đó, cơ quan Nhà nước cần đưa ra các tiêu chí xét tuyển nhà thầu và chấm điểm năng lực nhà thầu, sau đó áp dụng chỉ định thầu với nhà thầu được điểm cao nhất, việc này đã từng được áp dụng trong lựa chọn nhà thầu cho nhiều dự án cải tạo quốc lộ 1.

“Công  trình trọng điểm quốc gia thì nên đấu thầu, chấm thầu để lựa chọn những nhà thầu có đủ năng lực về kinh nghiệm về tài chính để thi công dự án một cách nhanh nhất, đảm bảo chất lượng nhất”- ông Nhận bày tỏ.

Cũng theo ông Nhận, mỗi phương thức chỉ định thầu hay đấu thầu đều có ưu, nhược điểm riêng, quan trọng nhất là các thủ tục cần tiến hành nhanh chóng thì thời gian chuẩn bị đầu tư được rút ngắn. Các thủ tục chọn nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc Nam thời gian qua là quá dài. 

Tuy vậy, ở một góc độ khác, Chủ tịch Hiệp hội nhà đầu tư các công trình giao thông đường bộ Việt Nam Trần Chủng bày tỏ ủng hộ phương thức chỉ định thầu đối với một số gói thầu cấp bách vì các mục tiêu an ninh và các mục tiêu kinh tế, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

“Chỉ định thầu trong các trường hợp này, không chỉ tiết kiệm đươc thời gian, kinh phí, nhân lực cho công tác đấu thầu mà các nhà thầu được chọn, không chỉ đủ điều kiện yêu cầu mà họ còn phải chịu áp lực trước sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước, cộng động mà còn của chính các đối thủ nếu như có phương thức đấu thầu. Vì vậy quá trình này cần công khai, minh bạch”- ông Trần Chủng cho hay.

Còn nếu tổ chức đầu thầu lựa chọn nhà thầu, theo ông Trần Chủng phải tạo được sự cạnh tranh bình đẳng, phải kiểm soát được tình trạng “đấu giá”, “ép giá”, “ép tiến độ”. Việc quan trọng cần khắc phục đó là việc quản lý sau đấu thầu. Phải gắn trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước tổ chức lựa chọn nhà thầu cả trong giai đoạn sau đấu thầu.