Cấp giấy phép lái xe ô tô cho người khuyết tật: Liệu có khả thi?

ANTD.VN - Từ ngày 1-6, một điểm mới trong quy định về đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe (GPLX) là người khuyết tật cũng sẽ được cấp bằng lái ô tô tự động hạng B1.

Dùng xe nào để sát hạch cấp bằng lái cho người khuyết tật?

Mặc dù đã chính thức có hiệu lực, nhưng việc triển khai Thông tư 12/2017/TT-BGTVT của Bộ GTVT trong thực tế theo đánh giá của các địa phương và cơ sở đào tạo lái xe là rất khó khăn và chắc chắn sẽ phát sinh vướng mắc cần tiếp tục xử lý.

Đủ sức khỏe thì được thi lấy bằng B1 số tự động

Khoản 2, điều 43, Thông tư 12/2017/TT - BGTVT về đào tạo lái xe quy định  rõ: “Đào tạo để cấp GPLX hạng B1 số tự động cho người khuyết tật có đủ điều kiện điều khiển xe tập lái hạng B1 số tự động của cơ sở đào tạo”. Như vậy, từ ngày 1-6, người khuyết tật đã có thể được đăng ký học, thi và lấy GPLX. Tuy nhiên, cũng theo Thông tư này, người khuyết tập muốn được tham gia đào tạo, cấp bằng lái xe hạng B1 phải đáp ứng đủ các điều kiện về sức khỏe theo quy định tại Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT - BGTVT của Bộ GTVT và Bộ Y tế ban hành năm 2015.

Cụ thể, những người bị chứng: rối loạn tâm thần (chữa khỏi chưa quá 6 tháng hoặc mãn tính), động kinh, rối loạn cảm giác sâu; suy tim, có chứng khó thở từ độ III trở lên; song thị, hoặc mù 3 màu (vàng, đỏ, xanh lá); liệt vận động từ 2 chi trở lên, hoặc mất 1 bàn tay (chân) trong khi có 1 chi khác không toàn vẹn hoặc, giảm chức năng... sẽ không đủ điều kiện học, thi lấy GPLX hạng B1. 

Theo Trưởng phòng Phục hồi chức năng - giám định, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lê Tuấn Đồng, quy định người khuyết tật được đào tạo và tham gia sát hạch GPLX hạng B1 là để bảo đảm quyền lợi cho mọi công dân. Bộ Y tế, Bộ GTVT cùng các đơn vị liên quan đã nghiên cứu, tham khảo Luật Người khuyết tật, Công ước quốc tế, cũng như các tiêu chuẩn sức khỏe lái xe của một số nước trên thế giới và trong khu vực... để có tiêu chuẩn rõ ràng, phù hợp.

Khó vận dụng trong thực tiễn

Dù ủng hộ về chủ trương cấp GPLX hạng B1 xe số tự động cho người khuyết tật đủ điều kiện, nhưng các địa phương cũng như cơ sở đạo tạo lái xe còn nhiều băn khoăn. Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở GTVT Hà Nội, ông Nguyễn Đình Nghĩa đặt vấn đề, để đào tạo, sát hạch đối với người khuyết tật, liệu có cần đến phương tiện, sân bãi và bài thi riêng, phù hợp với điều kiện sức khỏe hay cứ áp dụng các điều kiện như với người bình thường? “Để đưa được quy định này vào thực tế, thực hiện tốt và phát huy hiệu quả thì cả người khuyết tật lẫn cơ quan chức năng sẽ còn nhiều vấn đề cần thời gian để giải quyết thấu đáo”, ông Nguyễn Đình Nghĩa cho hay.

Tương tự, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở GTVT Hải Phòng, ông Nguyễn Quang Hiếu cho rằng, rất nhiều cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn thành phố cũng băn khoăn về việc này. “Tại buổi tập huấn về Thông tư 12 của Tổng cục Đường bộ cho các Sở GTVT và cơ sở đào tạo lái xe thì hầu hết đều tỏ ra băn khoăn. Quy định là vậy nhưng khi áp dụng vào thực tiễn sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề”, ông Nguyễn Quang Hiếu thông tin.

Ông Nguyễn Quang Hiếu lấy ví dụ, đối với người bị khuyết chân phải, trong khi chân ga của ô tô đặt ở bên phải sẽ phải xử lý như thế nào. Cũng có thể đưa xe vào hãng để lắp bộ chuyển đổi chân ga từ phải sang trái nhưng liệu có vi phạm về đăng kiểm và có phù hợp với đặc tính an toàn của phương tiện? “Các cơ sở đào tạo lái xe đều cho biết, không có phương tiện thích hợp để dạy và sát hạch cho người khuyết tật”, ông Nguyễn Quang Hiếu thông tin.

Theo ghi nhận ý kiến của một số các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn Hà Nội, hầu hết đều cho rằng, chưa có ý định đầu tư phương tiện đặc thù cho học viên là người khuyết tật vì lo lắng sẽ có ít học viên, không đủ bù đắp chi phí. “Chúng tôi giờ đã xã hội hóa, mọi thứ đầu tư đầu vào đều phải tính toán đến hiệu quả. Nếu quá ít người học mà lại bỏ chi phí lớn đầu tư xe, giáo viên… thì chỉ có lỗ. Hơn nữa, chúng tôi cũng không biết đầu tư xe kiểu gì cho phù hợp, vì mỗi người khuyết tật ở mức độ và hình thức khác nhau”, đại diện một cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn quận Long Biên, Hà Nội chia sẻ. 

Theo Thông tư 12, trong trường hợp cơ sở đào tạo không có xe thì có thể sử dụng xe của người khuyết tật, nhưng các cơ sở đào tạo cho rằng, trường hợp người khuyết tật không có phương tiện, hoặc không thuê mượn được thì như thế nào? Ngoài ra, các phương tiện này khi đưa vào sa hình để sát hạch sẽ như thế nào, vì các xe sát hạch trong sa hình đều phải đáp ứng những thông số, tiêu chuẩn nhất định và được gắn chip chấm điểm tự động.