Cần nhận diện đúng mô hình kinh doanh công nghệ như Grab

ANTD.VN -Tại văn bản gửi Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), VCCI cho rằng, hiện nay, trong lĩnh vực vận tải đang có nhiều ý kiến trái chiều về hình thức kinh doanh của Grab và các hình thức tương tự….

Quy định chồng chéo

Vấn đề nóng nhất mà Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 gây “sốt” nhiều ngày qua là quy định về loại xe ứng dụng công nghệ như Uber, Grab, Fastgo… Dù từ khi chắp bút xây dựng Dự thảo Nghị định đến nay, Bộ GTVT đã nhiều lần tổ chức hội thảo, xin ý kiến của các bộ, ngành, Hiệp hội vận tải, Sở GTVT địa phương cũng như công luận, nhưng đến nay, Dự thảo Nghị định vẫn gây ra sóng gió với những quy định đang được xem là đi ngược xu hướng công nghệ 4.0 hiện nay cũng như nền kinh tế chia sẻ mà các quốc gia đang hướng tới.

Trong đó, ngay từ định nghĩa, Dự thảo Nghị định mà Bộ GTVT trình Chính phủ vừa qua đã quy định, những doanh nghiệp hoạt động như Grab, Uber hay Fastgo… là doanh nghiệp vận tải. Và đương nhiên, đã là doanh nghiệp vận tải sẽ phải đáp ứng hàng loạt các điều kiện kinh doanh hiện luật đang quy định.

Các doanh nghiệp công nghệ mong muốn được định danh đúng bản chất và chuyên môn

Tuy nhiên, quy định này đã vấp phải sự phản đối của không ít chuyên gia, từ công nghệ tới kinh tế. Đáng nói, nhiều chuyên gia cho rằng, quy định này của Bộ GTVT sẽ lấn sân với Nghị định 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử.

Tại văn bản gửi Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), VCCI cho rằng, hiện nay, trong lĩnh vực vận tải đang có nhiều ý kiến trái chiều về hình thức kinh doanh của Grab và các hình thức tương tự….

Song, những quy định như dự kiến tại Dự thảo một mặt chưa cho phép điều chỉnh loại hình mang tính nền tảng mở như Grab, một mặt chưa đặt ra được cơ chế thích hợp cho mô hình mới này (chỉ dẫn chiếu tới quy định vốn chỉ thích hợp với mô hình taxi truyền thống).

Đại diện VCCI dẫn chứng, Dự thảo không quy định đây là đơn vị kinh doanh loại gì, chỉ quy định trường hợp này phải “theo pháp luật về giao dịch điện tử và pháp luật liên quan”. Dự thảo xác định đây là đơn vị kinh doanh vận tải (tuy nhiên Dự thảo không làm rõ loại hình vận tải trường hợp này là gì, suy đoán là hình thức vận tải theo hợp đồng), phải thực hiện quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh.

Có những bất cập lớn liên quan tới quy định này theo nhìn nhận của VCCI. Đơn cử như câu chuyện về chủ thể bị quản lý: Quy định này được suy đoán là để áp dụng cho trường hợp các hãng taxi truyền thống sử dụng phần mềm điện tử để ký hợp đồng vận chuyển với khách hàng có yêu cầu?

Tuy nhiên, về mặt bản chất đơn vị “cung cấp phần mềm điện tử” là đơn vị làm phần mềm theo đặt hàng (ví dụ doanh nghiệp công nghệ thông tin) để cung cấp cho khách hàng, hãng taxi chỉ là đơn vị sử dụng phần mềm mà thôi. Việc Nghị định về vận tải lại có quy định quản lý về doanh nghiệp và hoạt động công nghệ thông tin là không hợp lý.

Nhận diện đúng bản chất

Theo VCCI, về việc “ký hợp đồng điện tử”, bản chất của việc sử dụng phần mềm trền nền tảng mở như Grab là để kết nối các đơn vị vận chuyển với khách hàng có nhu cầu, môi giới và làm trung gian giữa bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ vận chuyển. Đơn vị này không ký bất kỳ hợp đồng vận chuyển nào, cũng không phải là chủ thể trong hợp đồng vận chuyển. Hợp đồng điện tử trong trường hợp này được ký giữa bên vận chuyển với hành khách – trong hợp đồng này chỉ có ý chí thống nhất của bên vận chuyển và hành khách mà không có ý chí của Grab (Grab đưa ra gợi ý về giá dựa trên phân tính cung cầu theo thời điểm, nêu thông tin về nhu cầu của khách và khả năng đáp ứng của các bên vận chuyển nhưng quyết định có chấp nhận gợi ý của Grab không và có ký hợp đồng vận chuyển không hoàn toàn thuộc quyền tự do ý chí của bên vận chuyển và khách hàng mà Grab không thể can thiệp).

Về việc “trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển, quyết định giá cước vận tải” được VCCI bày tỏ, không rõ khái niệm “trực tiếp điều hành”, “quyết định giá” trong trường hợp này được hiểu như thế nào? Về bản chất thì Grab không thể quyết định điều xe hay giá cước mà chỉ có thể kết nối, cung cấp thông tin hành khách cho bên vận chuyển.

“Mặc dù có rất nhiều tranh cãi, tất cả đều đồng thuận quan điểm cho rằng những công ty công nghệ, cung cấp ứng dụng kết nối như Grab là hình thức kinh doanh mới, không giống với các hình thức kinh doanh đã có trước đây. Do đó, việc áp đặt cơ chế quản lý cũ cho một hình thái kinh doanh mới là không hợp lý”, đại diện VCCI bày tỏ.

Theo đó, VCCI kiến nghị cần nhận diện dịch vụ kinh doanh kiểu Grab theo đúng bản chất của dịch vụ là môi giới công nghệ trong lĩnh vực vận tải. “Từ góc độ chính sách, việc nhận diện đúng bản chất và xác định cơ chế quản lý tương ứng cho dịch vụ kinh doanh kiểu Grab là rất quan trọng và cần được thực hiện cẩn trọng nhằm bảo đảm sự thống nhất chung trong quản lý của Nhà nước đối với các hình thức kinh doanh tương tự Grab trong các lĩnh vực kinh tế khác”, đại diện VCCI cho hay.