Cần hơn 820.000 tỷ đồng để xây 3.000 km đường bộ cao tốc

ANTD.VN - Dự kiến, từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ xây dựng 3.090 km đường cao tốc trục phía Đông và phía Tây. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 829.000 tỷ đồng.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa báo cáo Bộ GTVT về quy hoạch đường bộ cao tốc Hà Nội đến 2020, định hướng 2030.

Theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg, đến năm 2020 sẽ có 2.703 km đường cao tốc được xây dựng, chiếm tỷ lệ 42,1% tổng chiều dài mạng đường bộ cao tốc của cả nước.

Đến hiện tại, nước ta có khoảng 800km đường cao tốc đã được xây dựng, 513km đường cao tốc đang xây dựng và khoảng 654km đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông đã xác định được nguồn vốn và có khả năng hoàn thành trước 2020.

Sẽ xây dựng khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc đến 2030

Như vậy, tổng chiều dài đường cao tốc nước ta dự kiến hoàn thành trước năm 2020 khoảng 1.913km đạt 70,7% tổng chiều dài các tuyến cao tốc cần hoàn thành đến năm 2020 như quy hoạch đề ra.

Về nguồn vốn để xây dựng các tuyến cao tốc chủ yếu từ các nguồn ngân sách Nhà nước như vay ODA, trái phiếu Chính phủ rồi bán quyền thu phí. Song thực tế cho thấy, việc thu phí hoàn vốn của các tuyến đường cao tốc ở nước ta là rất khó khăn.

Với Nghị quyết số 52/2017/QH14 thì các dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông sẽ được đầu tư theo hình thức hợp tác Nhà nước-tư nhân (PPP), trong đó khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án. Bởi vậy, tiến độ triển khai các dự án xây dựng đường cao tốc chưa theo tiến độ đề ra trong quy hoạch.

Để đáp ứng tầm nhìn dài hạn, lưu lượng xe đối với trục cao tốc Bắc-Nam phía Đông tại một số đoạn cửa ngõ các thành phố, trung tâm kinh tế, chính trị lớn có xu hướng gia tăng so với kết quả dự báo trước đây; xuất hiện lưu lượng tăng tại một số hành lang vận tải có thể xem xét việc xây dựng bổ sung các tuyến cao tốc.

Theo đó, cao tốc Bắc-Nam gồm 2 tuyến với tổng chiều dài khoảng 3.096km. Cụ thể, tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông gồm 27 đoạn, tổng chiều dài 1.827km; tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Tây gồm 24 đoạn với tổng chiều dài là 1.269km.

Hệ thống đường cao tốc khu vực phía Bắc gồm 16 tuyến, tổng chiều dài 1.683km Hệ thống đường cao tốc khu vực miền Trung và Tây Nguyên gồm 4 tuyến, tổng chiều dài 316km. Hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam gồm 7 tuyến, tổng chiều dài 1.048 km.

Căn cứ nhu cầu thực tế về nguồn lực, nhu cầu vận tải sẽ nghiên cứu thực hiện đầu tư một số tuyến cao tốc, trong đó ưu tiên các tuyến sau: Lai Châu-Bảo Hà (Lào Cai); Sơn La-Điện Biên; kết nối từ cao tốc Nội Bài-Lào Cai tới Hà Giang; Pleiku-cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai); Chơn Thành-cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước); nút giao Cao Bồ (Ninh Bình)-Thịnh Long (Nam Định); Trung Lương-Bình Liêu.

Tổng cục Đường bộ đưa ra dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư của từng đoạn tuyến cao tốc (không bao gồm các tuyến cao tốc đang triển khai hoặc chuẩn bị triển khai đã xác định được nguồn vốn) như sau:

Dự kiến mức đầu tư đường bộ cao tốc theo từng giai đoạn

Tổng cục Đường bộ cũng tính toán đến vốn đầu tư xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc được huy động từ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước dưới hình thức Chính phủ vay hoặc bảo lãnh vay, phát hành trái phiếu công trình...

Đặc biệt, ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các công trình kém hấp dẫn về mặt tài chính nhưng đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần huy động tối đa mọi nguồn lực, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển đường cao tốc dưới hình thức đối tác công tư (PPP) như BOT, BT, BTO... sửa đổi bổ sung các quy định về chính sách hỗ trợ tài chính, thuế, giá, phí, lệ phí, nhượng quyền để tăng tính thương mại của các dự án, đảm bảo lợi ích thỏa đáng của nhà đầu tư.