Cấm xe máy ở các quận nội đô từ năm 2030: Thực tiễn sẽ thay đổi tư duy

ANTD.VN - Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước khi xác định thời điểm cấm xe máy ở các quận nội thành từ năm 2030. Lộ trình với 3 giai đoạn và kế hoạch như Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) nêu ra là đúng, nhưng việc thực hiện theo đúng kế hoạch là không đơn giản. 

“Thời điểm 2030 chúng ta đã đầu tư tương đối đồng bộ hạ tầng giao thông cũng như phát triển hệ thống giao thông công cộng, đủ điều kiện để dừng hoạt động xe máy. Như vậy chúng ta chọn thời điểm 2030 để thực hiện, đề án cũng đề cập đến việc mở dần vùng hạn chế phương tiện xe máy để phù hợp với cơ sở hạ tầng và mạng lưới vận tải hành khách công cộng. Tôi cho rằng, năm 2030, chúng ta đáp ứng được các phương tiện vận tải công cộng phục vụ cho người dân nên dừng được xe máy. Chúng tôi đưa ra mốc này để định hướng cho chương trình hành động, cũng là để người dân, doanh nghiệp có điều kiện thay đổi thói quen đi lại phục vụ mục tiêu là đảm bảo nhu cầu đi lại của dân phù hợp với cơ sở hạ tầng” - Trích nguyên văn ý kiến của ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội trong một bài đăng trên Báo ANTĐ ngày 9-7-2017.

Tôi hoàn toàn đồng thuận với ý kiến trên. Chỉ đề nghị thay từ “đã” (đầu tư tương đối đồng bộ…) bằng từ “sẽ”. Không phải theo chủ nghĩa hoài nghi, mà bởi làm gì cũng phải tính đến khả năng cả phát sinh lẫn phái sinh khi thực hiện.

Xu hướng thế giới

Đồng thuận vì đấy là xu hướng thế giới, cũng là quy luật phát triển của đô thị hiện đại. Năm 1954, tiếp quản Thủ đô, Hà Nội chỉ có 1 chiếc Harley, vài chục cái mô tô, trên trăm chiếc xe máy Peugeot, Mobylette, Solex, vài chiếc ô tô cá nhân, ô tô hầu như chỉ có xe công. Xe đạp cũng thưa thớt nên cũng phải đăng ký, cấp biển số. Các giáo sư mới được phân phối xe đạp Pháp. Đấy là thời “văn minh đi bộ” nên mới có vô số biển: “Đi bộ trên vỉa hè”. Cuộc sống đi lên, từ “văn minh đi bộ”, chỉ hơn chục năm sau đã thay bằng “văn minh xe đạp”. Vài chục năm sau đã là “văn minh xe máy” và chớm sang “văn minh ô tô” như bây giờ.

Trong những lý do cấm xe máy, ngoài khí thải gây ô nhiễm môi trường, cần thêm diện tích nó chiếm trên mặt đường khi đi lại bằng nửa chiếc ô tô con và tai nạn do nó gây ra chiếm tỉ lệ cao nhất. Còn ùn tắc đường thì xe máy gây ra với lưu lượng như hiện nay thì không phương tiện nào bằng. Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước khi xác định thời điểm cấm xe máy ở các quận nội thành.

Lộ trình với 3 giai đoạn và kế hoạch như Giám đốc Sở GTVT nêu ra là đúng, nhưng việc thực hiện theo đúng kế hoạch là không đơn giản. Không phải cứ huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc là được. Ưu thế thực hiện là hệ thống hạ tầng cơ sở giao thông như quy hoạch và kế hoạch thực hiện với các đường vành đai, đường xương cá, cầu vượt so với TP.HCM là đi trước một bước. Duy giao thông tĩnh (bãi đỗ, bến xe) vẫn cần đầu tư nhiều. Chưa có bãi đỗ xe ngầm nào là một ví dụ.

Giải bài toán giao thông công cộng 

Bất kỳ một đô thị văn minh nào cũng phải phát triển từ giao thông mặt đất đến giao thông trên cao, rồi giao thông ngầm. Đường sắt trên cao của ta vì những lý do ai cũng biết nên ì ạch mãi vẫn không hoàn thành theo đúng tiến độ. Vừa rồi một tập đoàn tư nhân đã quyết định đầu tư 100.000 tỷ đồng cho đường sắt đô thị,  nhưng chắc không phải là tàu điện ngầm như TP.HCM đang triển khai. Hà Nội đã dừng loại hình xe điện, sau đó thay bằng xe điện bánh hơi nhưng không thành công, đành bỏ. Người ta tiếc, nếu cứ giữ lại một đoạn (như Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc) ví dụ đoạn Hàng Cót - Yên Phụ làm một chứng tích lịch sử phục vụ du lịch thì thú vị biết bao. 

Còn ô tô buýt? Lẽ ra phải là lựa chọn của mọi người, vì sao vẫn chưa chiếm ưu thế? Rẻ, an toàn chỉ là một mặt. Cái gì mất đi cũng có thể tìm lại được, trừ thời gian. Làm gì cũng phải tính đến chi phí thời gian. Người về hưu chọn xe buýt vì quỹ thời gian nhiều. Sinh viên đi vì rẻ. Người đi làm không chọn vì nhiều lẽ: Mất nhiều chi phí thời gian đã đành (chờ đợi chuyến, đỗ nhiều chặng, phải chuyển tuyến).

Thế từ nhà đến điểm đỗ đi bằng gì? Từ điểm xuống đến nơi làm việc đi bằng gì? Từ nơi làm việc muốn đến nơi nào giải quyết công việc đi bằng gì? Trên đường về muốn tạt ngang tạt ngửa, rẽ vào chợ mua thức ăn, rau quả đi bằng gì? Phải đẳng cấp nào mới đi taxi được chứ. Hiện, “xe ôm” đang đảm nhiệm. Lẽ ra xe công cộng phải lo việc này. Xe điện bánh hơi chẳng hạn. Trung Quốc, Indonesia, Philippines cũng làm vậy. Trong khi Hà Nội ta xe điện bánh hơi mới chỉ chở khách du lịch quanh hồ Tây, khu phố cổ…

Lẽ ra phải có mặt ở khắp nơi. Nghĩa là ta còn phải giải quyết phép tính kết nối giao thông công cộng. Thế nên nói chỉ khi nào giao thông công cộng gánh được 40-50% hành khách thì hãy cấm xe máy ở nội thành là hợp lý. Nhưng để đạt được tỉ lệ ấy còn phải giải nhiều phép tính của bài toán giao thông công cộng trong đó xe buýt đã tốt, rẻ, nhưng phải tiện và nhanh. Cần tiếp tục tăng chuyến, xe điện trên cao đang làm phải sớm đi vào sử dụng và thêm tuyến khác, thêm xe điện ngầm. 

Không phải vì không có cái gì là tuyệt đối, mà vì nhiều lẽ của thực tế cuộc sống. Là thành viên câu lạc bộ xe máy cổ ở nội thành, không lẽ thuê xe tải nhỏ chở ra ngoại thành mới đi? Câu lạc bộ xe mô tô dung tích lớn muốn tụ tập đi phượt lên Ba Vì chẳng hạn thì làm thế nào? Người thích đi dạo ngoại thành bằng xe máy thì sao? Tôi nghĩ cho tha hồ, chỉ có điều, những sở thích ấy phải trả giá đắt (thuế hoặc lệ phí đăng ký chẳng hạn, hoặc chỉ được đi vào ngày chẵn (thứ 2, 4, 6, chủ nhật)…  

Thủ đô Bangkok (Thái Lan), Bắc Kinh (Trung Quốc) trên phố cổ vẫn có xe máy. Trời lạnh xe máy ở Bắc Kinh vẫn đi, chỉ có điều đôi găng tay dày gắn cố định ở tay lái. Còn ở Nhật tay lái có bộ sưởi điện lắp ở trong lớp nhựa bọc ghi đông. 

Nên chăng có nhiều cách hạn chế khác như đã nói hoặc chỉ cấm ban ngày, cấm giờ đi làm, giờ tan tầm, cấm một số tuyến huyết mạch, cấm đi đường trên cao… Thế nên thực tiễn giao thông công cộng tốt rồi sẽ thừa sức thuyết phục mọi người bỏ xe máy, còn hiện tại đi xe máy vẫn tiện và nhanh hơn đi xe buýt.

“Thời điểm 2030 chúng ta đã đầu tư tương đối đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, cũng như phát triển hệ thống giao thông công cộng, đủ điều kiện để dừng hoạt động của xe máy”.

Ông Vũ Văn Viện (Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội)