- Toyota Hilux bị lỗi ở ống nhiên liệu, phải triệu hồi để thay thế
- Ford Việt Nam phản hồi về sự cố chảy dầu trên xe Ranger và Everest
- Lexus triệu hồi gần 300 xe sang RX350 để sửa lỗi hộp số
Xế sang đến phổ thông đều dính lỗi phải triệu hồi
Ngay đầu tháng 3/2020, Audi Việt Nam tiến hành chương trình triệu hồi 618 chiếc Audi Q5 đời 2017-2019 để thay thế vít gia cố ốp chắn bùn bánh sau.
Trong quá trình nghiên cứu, AUDI AG đã phát hiện ra trên các xe Audi Q5 được sản xuất trong một giai đoạn nhất định, có khả năng vòng đệm của ốp chắn bùn bánh sau bị long ra do chuyển động xoắn ốc, trong một số trường hợp, ốp chắn bùn có thể rơi ra khỏi xe.
Vì lý do an toàn tối đa cho khách hàng sử dụng xe, AUDI AG yêu cầu tất cả các nhà nhập khẩu chính thức tiến hành kiểm tra danh sách xe liên quan, triệu hồi để kiểm tra và thay thế vít giao cố ốp chắn bùn bánh sau trên Audi Q5.
Audi Việt Nam quyết định thực hiện triệu hồi toàn bộ các xe Audi Q5 bị ảnh hưởng được sản xuất từ tháng 1/2017 đến tháng 8/2019 được nhập khẩu và phân phối chính thức tại thị trường Việt Nam.
Vào cuối tháng 2/2020, Toyota Việt Nam (TMC) chính thức thông báo chương trình triệu hồi để kiểm tra và thay thế cụm bơm khí túi khí hành khách phía trước trên xe Toyota Vios (CKD) và Toyota Corolla Altis (CBU) với số lượng lên tới 1.560 chiếc.
Theo TMC, những xe bị ảnh hưởng của chương trình này đã từng được thay thế mới cụm bơm túi khí hành khách Takata trước đó.
Tuy nhiên, những cụm bơm này vẫn do nhà cung cấp Takata sản xuất và không có chất chống ẩm, trong trường hợp xe gặp tai nạn và hệ thống túi khí được kích hoạt, tùy theo từng hoàn cảnh, việc giải phóng khí trơ có thể tạo nên áp lực bên trong quá lớn và dẫn đến khả năng cụm bơm khí bị nứt vỡ, các mảnh kim loại của bơm khí có thể bắn văng ra xuyên qua túi khí đã được bơm phồng, dẫn đến nguy cơ gây chấn thương nghiêm trọng cho hành khách trong một vụ tai nạn.
Đáng nói, vào giữa tháng 2/2020 chính hãng này cũng đã phải ra thông báo triệu hồi 32 chiếc ô tô Toyota Hilux do Công ty nhập khẩu và phân phối để thay thế kẹp và ống nhiên liệu.
Cũng cuối tháng 2 vừa qua, Công ty Ford Việt Nam đã phát đi thông báo về đợt triệu hồi liên quan tới 1.796 xe Ford Explorer, mẫu SUV đầu bảng của hãng tại thị trường Việt Nam, nhập khẩu nguyên chiếc từ Mỹ. Những xe nằm trong diện triệu hồi được sản xuất từ 13/2/2016 – 25/10/2017.
Nguyên nhân của đợt triệu hồi này do phần khung chân ghế chỉnh điện phía trong có thể có phần hoàn thiện không đúng để lại cạnh nhọn sắc bén. Chi tiết này có thể khiến người dùng bị thương hoặc đứt tay nếu chạm vào giữa ghế và cụm điều khiển trung tâm (công xôn), chẳng hạn như để lấy (nhặt) vật rơi ở khu vực này.
Cũng cần phải nói rằng, từ giữa tháng 2/2020 đến nay, hàng trăm khách hàng sử dụng xe Ford Ranger Wildtrak và Ford Everest còn “tố” xuất hiện tình trạng chảy dầu tại nắp bưởng đầu máy và cổ hút két làm mát khí nạp trên các xe sử dụng động cơ diesel 2.0L turbo đơn và turbo kép.
Tuy nhiên, đại diện Ford Việt Nam cho biết, đã ghi nhận tình trạng trên và sẽ hỗ trợ các chủ xe sửa chữa, thay thế, nhưng không ra thông báo triệu hồi rộng rãi.
Không có chuyện dễ dãi trong kiểm soát xe lắp ráp, nhập khẩu
Trao đổi về tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Phương, Phó trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam thừa nhận, đúng là có tình trạng, từ đầu năm đến nay nhiều hãng xe lớn đã có thông báo triệu hồi sản phẩm để khắc phục, sửa chữa lỗi. Song, đến nay chưa ghi nhận hay có bằng chứng nào cho thấy có sự liên kết giữa các sự việc này. Nội dung triệu hồi là khác nhau giữa các dòng xe, hãng xe.
“Triệu hồi xe là một việc bình thường thể hiện trách nhiệm của nhà sản xuất đối với người dùng”- ông Phương cho hay.
Đề cập đến việc, liệu có tình trạng đăng kiểm dễ dãi cho các hãng xe nhập khẩu lắp ráp mới dẫn đến lỗi và phải triệu hồi ồ ạt, ông Phương khẳng định, đây là những lỗi tiềm ẩn trong quá trình thiết kế, chế tạo xe chứ không phải lỗi kiểm tra, đây là hai sự việc khác nhau.
Về việc có xem xét hậu kiểm đối với các hãng xe trước tình trạng triệu hồi dày đặc như hiện nay, ông Phương cho hay, có thể xem xét nếu các hãng xe triệu hồi nhiều và lặp đi lặp lại.