BOT không phải là "liều thuốc vạn năng"

ANTD.VN - Có thể nói, diện mạo giao thông đường bộ tại Việt Nam đã có những biến chuyển tích cực nhờ huy động nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân vào các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. 

Tính đến hết tháng 3-2017, Bộ GTVT đã và đang triển khai 80 dự án với chiều dài khoảng 2.200km theo hình thức hợp đồng BOT và BT với tổng mức đầu tư khoảng 227.176 tỷ đồng, trong đó riêng vốn BOT là gần 211.000 tỷ đồng. 

Không thể phủ nhận rằng lợi ích mà các dự án BOT mang lại rất lớn, vừa giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian đi lại, chi phí tiêu hao nhiên liệu, khấu hao phương tiện, vừa góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường và trực tiếp làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc trả phí cho các dự án BOT lại là vấn đề khong nhỏ đối với người thu nhập thấp, doanh nghiệp thường xuyên sử dụng hạ tầng giao thông.

Bên cạnh những lợi ích thì hình thức đầu tư này cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề tồn tại, bất cập khi chưa thực sự hài hòa được lợi ích giữa Nhà nước - nhà đầu tư - người sử dụng trong thời gian qua. Hình ảnh người dân “vây” trạm thu phí BOT hay cố tình dùng tiền lẻ để trả phí gây ách tắc nhằm phản đối việc thu phí của chủ đầu tư đã xảy ra ở nhiều địa phương. Qua đó có thể thấy, nếu không tìm được cách giải quyết thấu đáo thì những bức xúc đó có thể gây ra những hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng tới an ninh, trật tự xã hội.

Có rất nhiều nguyên nhân từ các dự án BOT gây nên bức xúc đối với  người sử dụng. Đó là việc người dân bỗng dưng phải trả tiền cho đoạn đường xưa nay vẫn đi lại miễn phí, có những nơi dù không sử dụng nhưng người dân vẫn phải đóng phí. Hay khoảng cách giữa các trạm thu phí dày đặc, không tuân thủ đúng quy định, mức thu phí mỗi nơi một khác, việc xác định mức phí cũng chưa đủ sức thuyết phục. Rồi việc các dự án BOT đội giá hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, các trạm thu phí gian lận hàng trăm triệu đồng mỗi ngày bị phát hiện… Tất cả những vấn đề ấy khiến người dân khó có thể tin tưởng và chấp nhận. 

Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, BOT gần như là sự lựa chọn tối ưu để có hạ tầng giao thông. Trên thực tế, hầu hết các tỉnh, thành phố đều tích cực vận động để thu hút nhà đầu tư các dự án BOT. Mặc dù vậy, theo TS. Võ Trí Thành (nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), dự án BOT không phải “liều thuốc vạn năng” để xử lý các vấn đề trong đầu tư hạ tầng giao thông. Nhiều nước thành công với hình thức BOT nhưng cũng có nơi thất bại.

Vậy hướng giải quyết bài toán BOT thế nào? Có ý kiến cho rằng, phải xác định rõ chủ trương chỉ làm BOT ở những tuyến đường mới mở, không phải là độc đạo để người dân có quyền lựa chọn. Về quy trình thực hiện các dự án BOT, Nhà nước phải minh bạch các dự án, đấu thầu công khai để lựa chọn nhà đầu tư, giám sát, kiểm tra chặt chẽ trong quá trình xây dựng và khai thác. Bên cạnh đó, cần hài hòa trong phát triển hạ tầng giao thông, hướng các dự án đầu tư vào xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy. Tựu trung lại, Nhà nước phải tìm được điểm cân bằng về lợi ích giữa các bên trong việc triển khai các dự án BOT, như vậy mới có thể mang lại hiệu quả và sự đồng thuận.