Bộ trưởng Giao thông: Xử lý trách nhiệm nếu đến tháng 12 đường sắt Cát Linh – Hà Đông chưa vận hành

ANTD.VN - Chiều 6-4, Bộ Giao thông vận tải và UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đánh giá công tác phối hợp giữa hai bên trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn thành phố Hà Nội. 

Toàn cảnh hội nghị

Tại hội nghị, các ý kiến đánh giá công tác quản lý hoạt động vận tải tại Hà Nội đã từng bước đi vào nề nếp theo hướng công khai, minh bạch, chất lượng, hiệu quả hơn; mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được điều chỉnh mở rộng vùng phục vụ, chất lượng dịch vụ được nâng cao với 111 tuyến, phủ kín mạng lưới xe bus có trợ giá đến 30 quận, huyện đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân.

Số điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố giảm từ 124 điểm năm 2010 xuống còn 37 điểm năm 2017; tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí…

Tuy nhiên, trong khi nhiều công trình giao thông quan trọng đang trong giai đoạn đầu tư theo quy hoạch, ý thức của một bộ phận doanh nghiệp vận tải và người dân tham gia giao thông chưa cao… tình hình ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp...

Trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông); đẩy nhanh việc hoàn thiện các thủ tục để có thể khởi công dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) vào cuối năm 2018.

Với các tuyến đường sắt đô thị do thành phố Hà Nội đầu tư, thành phố kiến nghị Bộ GTVT sớm hoàn thiện và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến đường sắt đô thị để đảm bảo tính đông bộ từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu và vận hành công trình.

Ngoài ra, Hà Nội đề nghị nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ bổ sung vào Nghị định 86/NĐ-CP Quy định quản lý chặt chẽ hơn xe hợp đồng nói chung và thống nhất với Hà Nội trong việc đưa ra các quy định cụ thể nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của xe taxi truyền thống đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân cũng như đối với các loại hình taxi công nghệ, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông; quy định xe kinh doanh vận tải hành khách đến 9 chỗ ngồi ứng dụng công nghệ thông tin phải được quản lý tương tự taxi; phối hợp với thành phố Hà Nội xây dựng và ban hành quy chế quản lý xe taxi nhằm nâng cao chất lượng phục vụ của xe taxi truyền thống để giảm ùn tắc giao thông và đủ sức canh tranh với taxi công nghệ…

Hà Nội cũng đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh hành trình các tuyến vận tải hành - khách cố định liên tỉnh thông qua địa bàn thành phố Hà Nội để giảm ùn tắc giao thông và hạn chế tình trạng xe khách lợi dụng để dừng, đỗ, đón, trả khách sai quy định gây mất trật tự an toàn giao thông…

Với kiến nghị của Hà Nội đề nghị Bộ chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang chậm tiến độ và được dư luận, người dân rất quan tâm… ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, dự án không còn vướng mắc gì về giải phóng mặt bằng.

Phần xây dựng cũng chỉ còn 4% khối lượng. Trang thiết bị đã được nhập về công trường trên 90% và lắp đặt trên 76% khối lượng thiết bị. Năm 2017, dự án gặp vướng mắc về nguồn vốn của dự án và gần đây Bộ cũng đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị điều chỉnh tiến độ đến cuối năm 2018 hoàn thành giai đoạn thi công và kết thúc dự án vào năm 2021.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể không hài lòng với phần trả lời của ông Phương và nhấn mạnh: “Dự án này tháng 10 phải vận hành kỹ thuật, tháng 12 phải vận hành thương mại, không có lý do gì chậm hơn khi nguồn tiền đã có, thiết bị lắp đặt không vướng mắc gì. Phải đảm bảo hai mốc thời gian trên, nếu chậm, anh phải chịu trách nhiệm”.