Bất an đi lại mùa lễ hội

ANTĐ - Trong khi TNGT vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt trong mùa lễ hội Xuân thì kết quả kiểm tra tại 48 tỉnh, thành về điều kiện kinh doanh vận tải đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, đáng lưu ý là việc buông lỏng, phó mặc  cho lái xe thu tối đa lợi nhuận.

An toàn xe khách vẫn là mối lo của nhiều người

Doanh nghiệp lo đối phó

Dù TNGT có chiều hướng giảm so với dịp Tết Quý Tỵ 2013, nhưng trong những tháng tới, nhu cầu đi lễ hội, du Xuân của người dân rất cao, nhà xe thì tận dụng cơ hội để thu tối đa lợi nhuận, bất chấp giờ giấc, luật lệ. Thậm chí, để thu lợi nhuận và công suất tối đa của xe, nhiều lái xe chạy liên tục trong nhiều giờ, tự gây mệt mỏi, căng thẳng. 

Ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh thanh tra Bộ GTVT nhìn nhận, cơ quan chức năng đã cố gắng lắng nghe, thay đổi nhiều quy định tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động được thông thoáng hơn. Tuy nhiên, thay vì chấp hành tốt các quy định về điều kiện kinh doanh, nhiều đơn vị lại quay ra “đối phó” với cơ quan chức năng. 

Cụ thể, kết quả kiểm tra tại 48 tỉnh, thành về điều kiện kinh doanh vận tải khách bằng ô tô cho thấy, nhiều đơn vị có bộ phận theo dõi nhưng không hoạt động theo quy định, 9/236 đơn vị được kiểm tra không có bộ phận theo dõi an toàn giao thông; 121/236 đơn vị có bộ phận theo dõi ATGT nhưng không hoạt động hoặc có hoạt động nhưng không thực hiện thường xuyên. Thiết bị giám sát hành trình (GPS) lắp trên nhiều phương tiện không có đủ dữ liệu theo quy định hoặc có đủ dữ liệu nhưng đơn vị không khai thác quản lý, kiểm tra, nhắc nhở lái xe và không có biện pháp xử lý đối với lái xe chạy quá tốc độ, dẫn đến phần lớn lái xe chạy vượt quá tốc độ cho phép. 

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, một số địa phương có nhiều xe vượt quá tốc độ lớn như: Long An 137km/h; Bình Thuận 130km/h, tại Bà Rịa-Vũng Tàu 120km/h; Khánh Hòa 128km/h; Thừa Thiên - Huế 128km/h, Đồng Tháp  130km/h… 

Thêm vào đó, kết quả kiểm tra từ các đoàn thanh tra còn phát hiện, nhiều đơn vị không quản lý, sử dụng điều hành hoạt động xe mà chỉ thực hiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô. “Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã không tổ chức kinh doanh vận tải mà chỉ đứng ra lo các thủ tục pháp lý để cho xe hoạt động trên tuyến. Việc quản lý, điều hành sử dụng xe để kinh doanh vận tải được các đơn vi khoán trắng cho lái xe. Hàng tháng, đơn vị vận tải thu một khoản tiền làm dịch vụ để cho phương tiện đó mang thương hiệu của mình”, Chánh Thanh tra Bộ GTVT đánh giá.

Trước thực trạng trên, đoàn thanh tra đã xử lý 51/83 HTX không đủ điều kiện kinh doanh vận tải và lái xe vi phạm; 48/256 đơn vị bị thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải; thu hồi 146 chấp thuận khai thác tuyến; 82/256 đơn vị bị tước quyền sử dụng giấy phép cho đến khi khắc phục xong tồn tại; 816 phương tiện bị thu hồi phù hiệu, sổ nhật trình.

Đưa xe hợp đồng, xe du lịch vào “tầm ngắm”

Mặc dù qua mỗi lần kiểm tra, phát hiện vi phạm, lực lượng Thanh tra Bộ GTVT đều xử lý “nặng”, hoặc kiến nghị tước giấy phép kinh doanh, cắt “nốt”, thu hồi phù hiệu chạy tuyến… nhưng cũng không đáng kể. Ông Nguyễn Văn Huyện cho rằng, cần sớm sửa đổi bổ sung thêm một số quy định như, tất cả các phương tiện kinh doanh vận tải (chở khách và hàng hóa) đều phải lắp thiết bị GPS. 

Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy, các đơn vị ký hợp đồng thuê phương tiện của tổ chức, cá nhân (trừ xe thuê tài chính) chỉ là hình thức. Các đơn vị không quản lý, điều hành, sử dụng phương tiện đi thuê để kinh doanh vận tải, mà thực tế là cho các cá nhân đưa xe vào kinh doanh vận tải với thương hiệu của đơn vị mình. Bởi thế, thanh tra Bộ GTVT kiến nghị cần sửa đổi quy định đơn vị kinh doanh vận tải phải có cán bộ chuyên theo dõi an toàn kỹ thuật phương tiện và cán bộ về công nghệ thông tin để quản lý, sử dụng thiết bị GPS…

Để ngăn chặn tình trạng xe dù, theo lãnh đạo Bộ GTVT, cần tăng mức phạt với xe hợp đồng, xe du lịch vi phạm các lỗi như xe vận chuyển khách du lịch, xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng không có danh sách hành khách theo quy định hoặc chở người không có tên trong danh sách hành khách, không có hợp đồng vận chuyển theo quy định... Về phía các Sở GTVT, để đảm bảo an toàn cho hành khách, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ và đột xuất đội ngũ lái xe và áp dụng các biện pháp cần thiết khác, trước hết là lái xe khách tuyến cố định, lái xe buýt, xe taxi, xe vận tải container; phát hiện và loại khỏi đội ngũ những lái xe có hành vi sử dụng chất ma túy, rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông…