4.100 người chết vì tai nạn giao thông trong 6 tháng

ANTD.VN -Ủy ban ATGT quốc gia thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2018, có 26 địa phương có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ 2017, trong đó 10 tỉnh tăng trên 20%.

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác ATGT 6 tháng đầu năm 2018 diễn ra sáng nay, 5-7, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia thông tin, trong 6 tháng qua, toàn quốc xảy ra 8.999 vụ TNGT, làm chết 4.103 người, bị thương 7.027 người.

So với 6 tháng đầu năm 2017, số vụ TNGT giảm 594 vụ (giảm 6,19%), số người chết giảm 31 người (giảm 0,75%), số người bị thương giảm 908 người (giảm 11,44%). Có 35 tỉnh, thành phố có số người chết vì TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2017, trong đó 9 địa phương giảm trên 20% số người chết.

6 tháng đầu năm đã có 4.103 người thiệt mạng vì  TNGT

Tuy nhiên, vẫn còn 26 địa phương có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ 2017, trong đó 10 tỉnh tăng trên 20% là: Quảng Nam, Kiên Giang, Điện Biên, Hậu Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Cà Mau, Hải Dương, Bắc Giang, Tây Ninh.

Về nguyên nhân dẫn tới TNGT, theo Ủy ban ATGT quốc gia, đối với đường bộ, 26% do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường; 8,77% do vi phạm tốc độ xe chạy; 8,86% do chuyển hướng không chú ý; 6,23% do không nhường đường; 5,97% do vượt xe sai quy định; 7,82% do vi phạm quy trình thao tác lái xe; 2,32% do tránh xe; 4,23% do sử dụng rượu bia; 29,8% do vi phạm biển báo hiệu đường bộ, dừng đỗ sai quy định, không có GPLX, vi phạm quy trình thao tác lái xe, phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, do người đi bộ, do công trình giao thông và các nguyên nhân khác.

Với đường sắt, mặc dù hầu hết các vụ TNGT trên đường sắt do các nguyên nhân khách quan (người tham gia giao thông đường bộ vi phạm quy định tại đường ngang, lối đi tự mở trái phép,  các hoạt động dân sinh vi phạm hành lang và chỉ giới an toàn đường sắt) nhưng thời gian quan đã xảy ra một số vụ TNGT do nguyên nhân chủ quan của tổ chức, cá nhân trong ngành đường sắt, gây bức xúc trong dư luận.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã xảy ra 67 vụ ùn, tắc giao thông kéo dài, nguyên nhân: do TNGT 42 vụ (62,68%), lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến 4 vụ (5,97%); do tài xế qua Trạm thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ BOT dừng lại phản ứng gây ùn tắc giao thông 1 vụ (1,49%);...

Trong 6 tháng đầu năm, công an các đơn vị, địa phương đã xử lý trên 2 triệu trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền trên 1.200 tỷ đồng. Cảnh sát điều tra Công an các địa phương đã khởi tố 1.823 vụ, với 1.729 bị can. Thanh tra Bộ GTVT và các đơn vị, địa phương thực hiện gần 36.000 cuộc thanh tra, kiểm tra; xử phạt trên 27.000 vi phạm, phạt tiền 91,798 tỷ đồng; tạm giữ 118 ô tô; đình chỉ hoạt động 136 bến và 240 phương tiện thủy; giám sát 394 kỳ sát hạch lái xe ô tô, 258 kỳ sát hạch lái xe mô tô. 6 tháng đầu năm 2018, toàn quốc đăng ký mới 164.508 xe ôtô, 1.696.633 xe môtô.

Trước tình hình TNGT  có diễn biến phức tạp trong 6 tháng đầu năm, nhưng tại Hội nghị trực tuyến 6 tháng đầu năm sáng nay, một số địa phương  không có lãnh đạo UBND cấp tỉnh, thành phố tham dự cuộc họp. Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đặc biệt nhắc nhở, và cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ có văn bản nhắc nhở. 

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBNDT P Hà Nội Nguyễn Thế Hùng thông tin, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn Hà Nội 6 tháng đầu năm 2018 có chuyển biến tích cực, TNGT giảm sâu trên 5% cả 3 tiêu chí, ùn tắc giao thông giảm 3/37 điểm. Ngoài ra, các vi phạm về trật tự ATGT, trật tự đô thị, trông giữ phương tiện, vận tải được xử lý nghiêm.

Theo đó, trên địa bàn thành phố xảy ra 643 vụ TNGT, làm 248 người chết, 443 người bị thương (so với thời gian cùng kỳ năm 2017 giảm 45 vụ (giảm 6,5%), giảm 22 người chết (giảm 8,1%), giảm 123 người bị thương (giảm 21,7%).

Cũng tại Hội nghị, Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu sớm ban hành khung quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và các điều kiện, lộ trình hoạt động đối với xe 3 bánh nói chung và xe 3 bánh của thương binh nói riêng, trong đó có loại xe ba bánh để vận chuyển hàng hóa. Sớm có quy định về tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy và quy định việc thu hồi các xe máy cũ, phát nhiều khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, điều chỉnh hành trình các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh thông qua địa bàn thành phố Hà Nội (tuyến không có điểm đầu điểm cuối tại bến xe trên địa bàn Hà Nội) để giảm ùn tắc giao thông và hạn chế tình trạng xe khách lợi dụng để dừng, đỗ, đón, trả khách sai quy định gây mất trật tự, an toàn giao thông.