"Ôtô đi 1km đã mất phí 15.000đ, không trả chỉ có nước... bay lên trời"

ANTD.VN -Đây là một thực trạng được ông Lê Quốc Đạt – Phó Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho biết sau khi tiến hành thanh tra 11 dự án BOT trên quốc lộ 1A. 

Ông Lê Quốc Đạt chỉ rõ, quá trình thanh tra đã chỉ ra khá nhiều bất cập, thiếu sót và chưa hoàn thiện trong công tác thu phí hoàn vốn của các dự án này. “Nhiều phương tiện giao thông, dù chỉ đi 1 km nhưng vẫn mất 15.000 đồng/lượt tiền phí qua trạm BOT trong khi không có quyền lựa chọn. Nếu không chấp nhận mất phí, các phương tiện chỉ có cách bay lên trời”, ông Đạt chia sẻ.

Trước tình trạng này, đại diện cơ quan thanh tra Bộ KH-ĐT kiến nghị, nên có những con đường nhỏ, đường gom để người dân có cơ hội lựa chọn. Các phương tiện đi đoạn ngắn, không cần dịch vụ cao có thể chọn đường nhỏ với mức phí vừa phải hơn.

Nhiều trạm BOT đặt trên tuyến đường độc đạo, gây bức xúc trong nhân dân

 (Ảnh minh họa)

Cũng chỉ ra những bất cập tại các dự án BOT, ông Ngô Văn Quý – Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước Chuyên ngành IV chỉ ra rằngnêu ra thực tế, hiện nay, các dự án BOT được chọn hầu hết đều nằm trên trục đường quốc lộ độc đạo như quốc lộ 1, quốc lộ 14. Các phương tiện giao thông không có quyền lựa chọn, dự án trở thành độc quyền. Vì vậy, nhà đầu tư tìm mọi cách để thu lợi nhuận cao.

Cũng theo đại diện Kiểm toán Nhà nước, hiện chưa có quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư BOT. Muốn có hiệu quả, dự án được chọn phải là dự án xây mới và không là đường, cầu độc đạo để người dân có quyền lựa chọn lưu thông vào một trong 2 tuyến. Như vậy, buộc nhà đầu tư phải xây dựng với chi phí thấp, giá phí thấp nhất để thu hút phương tiện giao thông lưu thông.

Ngoài ra, cũng có tình trạng, người dân không hề sử dụng Dự án BOT nhưng vẫn buộc phải nộp phí mới được đi qua do vị trí đặt các trạm thu phí này thiếu hợp lý. Công trình một nơi, thu phí một nơi, tạo sự bất bình đẳn và gây bức xúc cho dư luận.

Ví dụ, trạm thu phí của Dự án BOT hầm đường bộ Phước Tượng, Phú Gia lại đặt ở km894 trên quốc lộ 1 trước hầm Hải Vân. Điều này khiến người dân Thị trấn Lăng Cô khi đi lại, giao dịch với TP Đà Nẵng không hề sử dụng hầm đường bộ Phước Tượng- Phú Gia mà vẫn phải trả phí. Hay Dự án BOT tuyến tránh TP Vĩnh Yên lại tổ chức thu phí tại Bắc Thăng Long- Nội Bài...

Một điểm đáng chú ý nữa đối với các dự án BOT cũng được ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nêu ra, đó là việc các nhà đầu tư tư nhân không có năng lực tài chính. “Sai lầm của cơ quan quản lý Nhà nước là bảo lãnh cho các nhà đầu tư bằng cách để họ vay quá nhiều từ ngân hàng”, ông Kiên nhìn nhận.

Ông Kiên cho biết, thông thường các nhà đầu tư BOT phải là những nhà tư bản có nguồn vốn lớn nhưng mảng đầu tư trong lĩnh vực của họ đang bão hoà về khả năng thu lợi nhuận nên mới đầu tư sang những dự án BOT chứ không phải dạng “tay không bắt giặc” như ở Việt Nam.

Về vấn đề vốn, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, vốn ngân hàng đang đổ vào các dự án BOT rất lớn, chiếm 85-90% tổng đầu tư. Như vậy, mặc dù tham gia với tư cách nhà đầu tư nhưng thực chất, họ chỉ có nguồn vốn tự có rất khiêm tốn. Nhiều đơn vị chỉ có 10-11% vốn tự có, đơn vị khá cũng chỉ có khoảng 15%, thậm chí, một số nhà đầu tư còn không đủ khả năng góp vốn đủ số vốn như đã cam kết dẫn đến phải dừng thực hiện.